Hợp tác xã Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Đại Hiệp: Nỗ lực vượt khó
Giữ lửa truyền thống, năng động trong cơ chế thị trường, Hợp tác xã Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Đại Hiệp (gọi tắt là HTX Đại Hiệp) dần nâng cao thu nhập cho thành viên, với sản phẩm là gạch tuynen.
Tại thôn Phú Hải của xã Đại Hiệp (Đại Lộc), vào tháng 6.2002, HTX Đại Hiệp với ngành nghề sản xuất gạch tuynen ra đời, nhà máy nằm ven quốc lộ 14B thuận lợi cho lưu thông. Ban đầu, vừa xây dựng cơ sở hạ tầng vừa sản xuất, đơn vị gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn hạn hẹp, giá cả sản phẩm lại bấp bênh, chi phí đầu vào cao.
Nhưng bằng quyết tâm và sự năng động của tập thể, nhất là sự lèo lái của Ban Chủ nhiệm, HTX từng bước vượt qua, sản phẩm gạch dần được thị trường phía bắc Quảng Nam và TP.Đà Nẵng tin dùng. Đơn vị đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm tại xã Đại Hiệp nói riêng và các xã lân cận nói chung.
Tháng 10.2015, HTX Đại Hiệp chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX mới năm 2012. Ở đơn vị này, Công đoàn cơ sở được thành lập để bảo vệ quyền lợi cho 97 lao động làm việc trực tiếp và gián tiếp, mức lương bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Công nhân được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động; 100% được đóng các loại bảo hiểm theo quy định.
Hàng năm, HTX hợp đồng với Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc khám sức khỏe cho công nhân. Sản phẩm gạch tuynen của HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2015. HTX được các cấp, ngành của địa phương và trung ương tặng nhiều bằng khen về thành tích nghĩa vụ thuế, thực hiện tốt các loại bảo hiểm, doanh nghiệp doanh nhân tiêu biểu….
Theo ông Đoàn Trung - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Đại Hiệp, đất sét tại địa phương hiện khan hiếm, đồng thời chủ trương của cấp thẩm quyền không cho phép cải tạo đất nông nghiệp, tận thu đất dôi thừa để sản xuất gạch.
Trước tình hình trên, Ban Giám đốc và các thành viên bàn bạc, thống nhất đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất gạch theo công nghệ đập sàng lồng, lò tuynen trần phẳng công nghệ cao, sử dụng robot với kinh phí 52 tỷ đồng. Tháng 6.2020, dây chuyền hiện đại này đã đi vào sản xuất gạch bằng đất đồi, vì vậy tiết kiệm chi phí mà chất lượng gạch đảm bảo.
Tuy nhiên, ông Đoàn Trung cũng thổ lộ, mới cuối tháng 8 vừa rồi đã cho người lao động nghỉ không lương do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đại dịch này khiến than đốt phục vụ sản xuất không chở từ cảng Đà Nẵng về được; gạch tồn kho nhiều vì thị trường tiêu thụ chủ yếu từ Đà Nẵng cũng đang bị ngưng trệ.
Đơn vị vận động người lao động nghỉ không lương nhưng vẫn duy trì bảo hiểm để mọi người đi khám chữa bệnh. HTX đang rất cần sự động viên, chia sẻ kịp thời của các cấp, ngành cũng như sự hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện về giãn trả lãi, tiền vay ngân hàng.