Khấm khá nhờ trồng rau
Nhiều nông hộ trên địa bàn xã Tam Ngọc (TP. Tam Kỳ) có cuộc sống ổn định nhờ tận dụng diện tích đất nà thổ để đầu tư trồng rau quả.
Xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) có hơn 100ha đất nà thổ nằm dọc dòng sông Tam Kỳ. Trong đó, thôn Bình Hòa chiếm diện tích lớn nhất với hơn 40ha, thôn Phú Ninh 35ha và thôn Thọ Tân 25ha. Với phương châm “mùa nào cây ấy”, quanh năm nông dân luân phiên trồng các loại rau cùng các loại cà, dưa, mướp, mía, mè, sắn, bắp, khoai lang, bí ngọn...
Riêng thôn Thọ Tân, hộ có diện tích nhiều nhất 2.500m2 , ít nhất 1.000m2 nên nông dân tổ chức trồng xen canh giữa các loại rau màu nhưng vụ đông xuân chủ yếu là trồng đậu phụng, còn vụ hè thu thì trồng các loại rau, bắp, sắn...
Hộ ông Nguyễn Văn Ninh chỉ có hơn 2.000m2 đất nhưng quanh năm vườn nhà luôn xanh mượt những luống rau các loại. Hay như hộ bà Trần Thị Nga chỉ có vỏn vẹn 1.000m2 đất nhưng đã tận dụng trồng rau màu cùng các loại hoa phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là vào dịp cuối năm.
Tuy nhiên, tại nhiều khu vực ở xã Tam Ngọc, nguồn nước tưới hạn chế nên nông dân phải đầu tư kinh phí, thuê thợ khoan giếng. Ông Đỗ Văn Long (một trong những hộ chuyên sản xuất rau ở thôn Thọ Tân, xã Tam Ngọc) cho biết, là địa phương ở gần hồ chứa nước Phú Ninh nhưng không được hưởng lợi từ nguồn nước này.
Để có nước tưới, nông dân phải đầu tư kéo đường dây điện, đồng thời khoan giếng để lấy nước tưới. Thường thì tưới mỗi ngày một lần nhưng gần đây thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, phải bơm nước tưới liên tục để giữ độ ẩm, chi phí tiền điện khá nhiều.
Những năm gần đây, trên địa bàn xã Tam Ngọc đã xuất hiện nhiều mô hình vườn rau có thu nhập bình quân 700 nghìn đồng/sào/năm, tương đương 140 triệu đồng/ha/ năm. Để có được kết quả này, tổ hội nghề nghiệp trồng rau ở các địa phương đã đóng vai trò quan trọng.
Ông Nguyễn Hoàng Hoanh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Ngọc, cho biết tổ hội nghề nghiệp trồng rau của các địa phương được thành lập từ năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 04, Hội nghị lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII). Ra đời tuy muộn nhưng các tổ hội đã kịp thời hỗ trợ các mô hình trồng rau màu trên địa bàn ngày càng phát triển. Hầu hết hộ trồng rau màu đều có nguồn thu nhập cao, giúp nông dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống.