Giá phân bón tăng cao, nông dân gặp khó

VĨNH LỘC 17/08/2021 06:46

Với mức giá tăng trung bình 50 - 73%, phân bón đã trở thành một trong những mặt hàng biến động mạnh nhất từ đầu năm đến nay khiến hoạt động sản xuất của người dân vốn đã khó khăn vì dịch Covid -19, nay càng thêm khó khăn. 

Giá phân bón tăng cao khiến hoạt động sản xuất của nông dân gặp khó. Ảnh: V.L
Giá phân bón tăng cao khiến hoạt động sản xuất của nông dân gặp khó. Ảnh: V.L

Giá phân tăng cao

“Phân bón thì tăng giá mà trái cây bán không được, chưa biết tính răng đây” - ông Phan Quang Tám - chủ khu vườn sinh thái “Tám Râu” (thôn Nông Sơn 1, xã Điện Thọ, Điện Bàn) cho hay khi được hỏi về giá phân bón.

Khu vườn sinh thái “Tám Râu” rộng khoảng 1ha phần lớn trồng ổi, mít, bưởi… Ngoài dùng phân chuồng bón cây, tùy giai đoạn ông Tám phải bón thêm phân vô cơ, bình quân mỗi năm khoảng 2 tấn NPK.

Theo ông Tám, nếu như đầu năm một ký phân NPK 3 màu nhãn hiệu “Đầu Trâu” giá khoảng 10 nghìn đồng thì nay đã tăng lên 15 nghìn đồng. Trong khi giá phân tăng cao, ngược lại đầu ra trái cây rất chậm và rẻ do ảnh hưởng dịch Covid- 19. Hồi đầu tháng ông Tám đã phải đổ gần 1 tấn ổi xuống ao cho cá ăn do không tiêu thụ được.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 841 nhà máy sản xuất phân bón, với công suất gần 30 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu sử dụng những năm gần đây chỉ hơn 10 triệu tấn/năm. Do đó, nguyên nhân phân bón tăng giá không phải cầu nhiều hơn cung. Vì vậy, để bình ổn thị trường phân bón, trước mắt cần tập trung tháo gỡ vấn đề lưu thông, vận chuyển. Về lâu dài, cần giảm chi phí sản xuất, đặc biệt cần bình ổn giá các mặt hàng nguyên liệu sẵn có trong nước như than cho sản xuất URE, amoniac cho sản xuất DAP…

Khảo sát cho thấy, từ đầu năm đến nay, giá phân bón trên thị trường tăng trung bình 50 - 73%, đồng nghĩa chi phí sản xuất của người dân, doanh nghiệp cũng tăng theo.

Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) xác nhận, phân bón tăng giá đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX.

Vụ mùa năm nay, HTX Nông nghiệp Điện Quang trồng 400ha bắp, bình quân bón khoảng 600kg NPK/ha, quy ra số tiền phát sinh từ giá phân tăng ước hơn một trăm triệu đồng.

“Phân tăng giá, trong khi năm nay sản lượng bắp sụt giảm do gió nam, nắng nóng, khô hạn, nếu có bán được cũng chỉ đủ trả tiền phân, thuốc và tiền điện bơm nước” - ông Thành nói.

Tính đến ngày 15.7, toàn tỉnh có khoảng 41,5 nghìn héc ta đất gieo lúa và 40,5 nghìn héc ta đậu bắp, hoa màu các loại. Tại các địa phương có diện tích trồng trọt lớn như Thăng Bình, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, phân bón tăng giá đã ảnh hưởng lớn đến nông dân.

Theo ông Trần Đăng Cảnh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Hải (Thăng Bình), với giá phân tăng như hiện nay, cộng với thời tiết khắc nghiệt, mất mùa…, nông dân dễ dàng bỏ ruộng.

Vụ xuân hè này, HTX Nông nghiệp Bình Hải canh tác 18ha lúa. Tuy nhiên, do nhiễm phèn, nhiễm mặn, nắng nóng nên lúa chết khoảng 3ha. Giá phân tăng cao nên xem như vụ này HTX không có lãi.

“Đầu năm giá một bao phân NPK Việt - Hàn (50kg) chỉ 510 nghìn đồng nhưng đến tháng 7 đã tăng lên 680 nghìn đồng và bây giờ là 750 nghìn đồng, với chi phí phát sinh cao như vậy thì người nông dân khó thể bám ruộng đồng” - ông Cảnh phân tích.

Khó bình ổn

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, giá phân bón trong nước và trên thế giới liên tục tăng mạnh. Cụ thể, phân urê Cà Mau tăng 72% (từ 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/ kg); DAP Đình Vũ tăng 67,3% (từ 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg). Giá phân bón nhập khẩu cũng tăng như DAP 64% nhập khẩu Trung Quốc tăng 50% (từ 11.200 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg); kali tăng 72,9% (kali miếng Israel tăng từ 6.650 đồng/kg lên 11.500 đồng/kg)...

 

Tại hội nghị trực tuyến về “Đề xuất giải pháp bình ổn thị trường phân bón” do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, một số đại biểu cho rằng, nguyên nhân giá phân bón tăng bởi chi phí sản xuất 7 tháng đầu năm tăng rất cao. Đơn cử, lưu huỳnh tăng 170%, amoniac tăng gấp 2 lần… Cùng với đó, sự gia tăng chi phí vận chuyển và những tác động tiêu cực đến từ đại dịch Covid-19 đã khiến giá phân bón tăng cao chứ không phải do cầu vượt cung.

Ông Trần Đăng Cảnh cho rằng, nếu Nhà nước không có giải pháp bình ổn giá phân thì nông dân sẽ “trụ không vững”, có thể quay lưng lại với nông nghiệp do sản xuất không hiệu quả.

Ước tính, để trồng một héc ta lúa, trung bình bón khoảng 640kg phân NPK, nếu giá phân 10 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên, với việc giá phân tăng lên 5.000 đồng/ kg cộng với sản lượng lúa sụt giảm do ảnh hưởng dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt, xem như HTX không có lãi.

“Bây giờ giá cả đều do thị trường quyết định nên việc phân bón tăng giá hay nông sản mất giá mình cũng chịu, chỉ mong Nhà nước sớm có giải pháp bình ổn” - ông Cảnh nói.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, trong tình hình giá cả phân bón biến động, thời tiết khó lường, dịch bệnh phức tạp như hiện nay, nông dân nếu không có cách xoay xở sẽ dễ bỏ ruộng đồng. “Ngày xưa mình nhổ cỏ trồng lúa, bây giờ chắc nhổ lúa trồng cỏ nuôi bò thôi, chứ phân thuốc tăng giá như hiện nay, rồi dịch bệnh, đầu ra sản phẩm khó khăn chắc chắn sẽ không lời, thậm chí lỗ” - ông Thành chia sẻ.

VĨNH LỘC