Vùng giáp ranh Đà Nẵng khó tiêu thụ nông sản
Nông sản của người dân thuộc các địa phương khu vực giáp ranh TP.Đà Nẵng bị dồn ứ nhiều ngày qua do khó vận chuyển ra ngoài tỉnh tiêu thụ.
Bỏ lại vườn
Gần 2 tuần nay, kể từ khi TP.Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, vườn măng tây xanh của bà Đỗ Dương Đông Phương (thôn Phú Đông, xã Điện Quang, Điện Bàn) không thu hoạch.
“Măng tây xanh chủ yếu bỏ chợ đầu mối và các siêu thị, nhà hàng nhưng bây giờ Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, mình không thể chở hàng ra được nên đành dưỡng măng thành cây luôn” - bà Phương cho biết.
Với diện tích hơn 3.500m2, bình quân mỗi ngày bà Phương thu hoạch được khoảng 40kg măng, ước tính số tiền thất thu khoảng 4 triệu đồng/ngày.
Đà Nẵng được xem là thị trường chính của măng tây xanh và các loại nông sản khác. Khi dịch Covid-19 tái bùng phát, thành phố này áp dụng biện pháp giãn cách khiến giao thương giữa Quảng Nam – Đà Nẵng trở nên khó khăn hơn. Không chỉ măng tây xanh khó tiêu thụ mà nhiều diện tích rau củ quả của người dân cũng bị dồn ứ vì hạn chế vận chuyển ra Đà Nẵng.
Bà Trần Thị Mơ (thôn Kỳ Long, Điện Thọ, Điện Bàn) cho biết, thời điểm này mỗi ngày bà bỏ phí hơn 70kg măng tây xanh cùng nhiều nông sản, trái cây khác do tiêu thụ chậm.
“Giá bán măng tây đắt nên tôi chủ yếu đưa vô siêu thị, nhà hàng chứ dân mình ít mua lắm, nhưng bây giờ không chở ra Đà Nẵng được nên chỉ còn cách bỏ lại vườn thôi” - bà Mơ nói.
Bên cạnh măng tây, hàng trăm gốc ổi, đu đủ đang vụ thu hoạch của gia đình bà Mơ cũng chậm đầu ra, dù giá bán thấp hơn từ 30 – 50%.
Theo ông Đỗ Văn Hòa – Chủ tịch UBND xã Đại An (Đại Lộc), tiêu thụ rau củ quả trên địa bàn xã sụt giảm nghiêm trọng. Chỉ riêng khu vực Bàu Tròn, một trong những vựa rau lớn nhất tỉnh, hàng chục tấn rau củ quả bị mắc kẹt gần 2 tuần nay do không đi được Đà Nẵng.
“Hiện nay, rau củ quả trong xã chủ yếu ủng hộ các chốt chứ chưa thấy đơn vị nào liên hệ địa phương vận chuyển đi tiêu thụ nên đầu ra rất khó khăn” - ông Hòa thông tin.
Năm 2021, tổng diện tích trồng hoa màu trên địa bàn xã khoảng 200ha, trong đó khu vực Bàu Tròn quy hoạch khoảng 47ha trồng rau màu, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Đà Nẵng và các địa phương lân cận.
Khó lưu thông hàng hóa
Ông Nguyễn Văn Chức – Trưởng nhóm sản xuất rau hữu cơ Thanh Đông (phường Cẩm Thanh, TP.Hội An) thông tin, mấy ngày nay xe chở rau quả ra Đà Nẵng phải tạm dừng để xin lại giấy phép theo yêu cầu mới của TP.Đà Nẵng nên việc vận chuyển nông sản thêm ách tắc.
Tại làng rau Trà Quế (Cẩm Hà, Hội An), tình hình cũng không khá hơn, hàng tấn rau quả các loại tiêu thụ chậm do sức mua thấp, đặc biệt là thị trường ở nhiều khu vực bị phong tỏa.
Đại diện Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) khẳng định, việc lưu thông hàng hóa đã được tỉnh quy định rõ ràng nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, với các chốt do tỉnh quản lý, người dân, doanh nghiệp có thể liên hệ công an tỉnh; chốt cấp huyện sẽ do trưởng công an huyện giải quyết cấp phép qua lại.
Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Phương – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, do đa số người buôn bán nhỏ lẻ nên trong thời điểm này để vận chuyển nông sản qua chốt rất khó khăn.
“Người dân chủ yếu chở hàng bằng phương tiện thô sơ, bây giờ chốt cấm thì khó đi được vì họ đâu có giấy tờ gì. Còn với xe tải thì quy định đổi tài khi vào thành phố cũng không ổn vì hàng hóa phải phân phối nhiều nơi nên cuối cùng xe đành phải ở nhà, không đi được” - ông Phương phân tích.
Hiện tại, tổng diện tích quy hoạch hoa màu trên địa bàn Đại Lộc khoảng 2.400ha, tập trung nhiều nhất ở các xã Đại An, Đại Cường, Đại Nghĩa, Đại Quang, Đại Hồng, Đại Lãnh…
Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, việc lưu thông hàng hóa đã được Chính phủ quy định nên diễn ra bình thường, các địa phương chỉ quản lý về con người (xét nghiệm, cách ly…). Mục đích là tạo điều kiện để nông sản và hàng hóa lưu thông, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Dù vậy, việc Đà Nẵng không cho người, phương tiện vận chuyển hàng hóa bên ngoài vào thành phố là quyết định của chính quyền địa phương, vượt thẩm quyền can thiệp của sở.