Nỗ lực đưa nước ngọt về đồng
Những ngày qua, mặn xâm nhập sâu vào hạ lưu sông Thu Bồn với nồng độ rất cao khiến nhiều diện tích lúa, cây trồng cạn bị chết khô hoặc sống vất vưởng. Địa phương và ngành chuyên môn đang nỗ lực đưa nước về đồng.
Cây trồng khát nước
Đứng trưa, nắng rát bỏng, lội trên những xứ đồng sản xuất cây trồng cạn của xã Điện Quang (Điện Bàn), chúng tôi thấy nhiều diện tích bắp đang trong giai đoạn trổ cờ - phun râu bị khô ráp, lụi tàn.
Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang cho biết, hè thu 2021 này nông dân địa phương gieo trồng 400ha bắp các loại. Hầu hết diện tích đất canh tác đã được thủy lợi hóa nhưng do nắng nóng quá khốc liệt khiến nhiều ruộng bắp bị khô cháy.
“Những vụ hè thu trước, khoảng 3 - 4 ngày người dân mới bơm nước tưới bắp một lần. Còn mùa này, ngày nào nhà nông cũng bơm nước tưới bắp nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng khô hạn. Những hộ sản xuất 3 - 5 sào thì họa may tưới kịp, còn các hộ gieo trồng từ 10 sào trở lên thì tưới không xuể, nhiều ruộng bắp đang trong thời kỳ trổ cờ - phun râu đã bị khô cháy. Những diện tích được giải cứu thì trái bắp rất nhỏ và ít hạt, chắc chắn năng suất sẽ tụt giảm mạnh” - ông Thành nói.
Gần 800ha đất lúa bỏ hoang
Nhiều địa phương như Quế Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Nông Sơn, Phú Ninh..., diện tích đất lúa bỏ hoang trong vụ hè thu năm nay khá lớn. Ông Trương Xuân Tý – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, theo kế hoạch, hè thu 2021 nông dân toàn tỉnh gieo sạ khoảng 42.000ha lúa, trong đó 36.000ha chủ động tưới và 6.000ha không chủ động tưới. Thế nhưng, do nguồn nước thiếu hụt nên gần 800ha đất lúa không thể xuống giống.
Theo thống kê, vụ hè thu 2021 này nông dân toàn tỉnh chuyển 810ha đất lúa khó khăn nước tưới sang canh tác các loại cây trồng cạn chủ lực có sức chịu hạn tốt như bắp, đậu xanh, mè, đậu phụng... nhưng con số vừa nêu không lớn so với diện tích đất lúa bỏ hoang hoặc sản xuất kém hiệu quả trên thực tế hiện nay.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, gió Tây Nam liên tục thổi mạnh và nắng nóng kéo dài trên diện rộng khiến gần 45ha bắp đang trổ cờ - phun râu ở các xã Điện Thọ, Điện Phước, Điện Hồng... bị khô cháy nghiêm trọng. Trong đó, tập trung chủ yếu trên những chân ruộng chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi.
“Những ngày qua, mực nước trên hệ thống sông Bình Phước, La Thọ, Bình Long, Thanh Quýt tụt giảm mạnh khiến bể hút của 12 trạm bơm điện nằm dọc các con sông liên tục bị “treo” đáy, dẫn đến 1.200ha lúa đang làm đòng - trổ bông của nông dân Điện Phước, Điện An, Điện Thắng Nam, Điện Hòa, Điện Thọ, Điện Hồng... bị nắng hạn đe dọa” - ông Chơi nói thêm.
Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, thời điểm này, mực nước các hồ chứa và đập dâng tụt giảm mạnh, dòng chảy nhiều con sông và dòng suối xuống thấp, đặc biệt là mặn xâm nhập sâu vào hạ lưu sông Thu Bồn với nồng độ rất cao khiến nhiều trạm bơm điện ở Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An phải ngưng hoạt động hoặc vận hành cầm chừng. Không kể nhiều diện tích cây trồng cạn bị chết héo hoặc sống vất vưởng, khoảng 6.500ha lúa hè thu cũng bị ảnh hưởng.
Giải cứu tạm thời
Ông Trần Vũ Tánh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, toàn huyện có hơn 536ha lúa hè thu bị khô hạn nghiêm trọng, chủ yếu nằm trên địa bàn các xã Quế Xuân 2, Quế Phú, Quế Mỹ, Quế Hiệp, Quế Phong, Quế Châu... “UBND huyện đã chi khẩn cấp gần 1 tỷ đồng lắp đặt 25 máy bơm dã chiến tại nhiều nơi để tận dụng nguồn nước ngọt từ các ao hồ, sông suối giải cứu lúa. Cùng với đó, tập trung huy động nhân lực, phương tiện nạo vét các hồ chứa Hố Giếng, Vũng Tôm, Đá Chồng và đập dâng Hòa Mỹ để tạo nguồn nước ổn định cho các trạm bơm hoạt động” - ông Tánh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chơi thông tin, để giải cứu 1.200ha lúa của nông dân Điện Phước, Điện An, Điện Thắng Nam, Điện Hòa, Điện Thọ, Điện Hồng... ngành nông nghiệp thị xã Điện Bàn cùng chính quyền các địa phương đã chi 240 triệu đồng thuê nhân công, phương tiện cơ giới mở 2 đợt ra quân nạo vét, khơi thông dòng chảy các con sông Bình Phước, La Thọ, Bình Long, Thanh Quýt nhằm tạo nguồn nước ổn định cho 12 trạm bơm điện vận hành tưới lúa. Tuy nhiên, hiện nay mực nước các sông tiếp tục tụt giảm, địa phương đang theo dõi sát diễn biến tình hình và chuẩn bị phương án nạo vét, khơi thông dòng chảy đợt 3.
Theo ông Trương Xuân Tý, những năm qua ngành nông nghiệp cùng chính quyền các cấp đã tiến hành đắp 3 tuyến đập tạm ngăn mặn – giữ ngọt tại khu vực Cầu Đen (Duy Xuyên), Tứ Câu (Điện Bàn), Sông Đầm (Tam Kỳ). Nhờ các tuyến đập bổi này, hằng vụ có khoảng 4.000ha lúa của 3 địa phương nêu trên ổn định nguồn nước tưới. Tuy nhiên, nhiều năm nay mặn xâm nhập sâu vào hạ du sông Thu Bồn (nhất là trong vụ hè thu) khiến hàng loạt trạm bơm phải ngưng hoạt động hoặc vận hành èo uột, dẫn đến 1.500ha lúa ở Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An thiếu nước tưới trầm trọng.
Khốc liệt nhất là hơn 1 tháng qua, mặn liên tục xâm nhập vào hạ lưu sông Thu Bồn với nồng độ từ 6 – 13 phần nghìn làm “tê liệt” một số trạm bơm điện. Các đơn vị liên quan và nhà nông phải thực hiện nhiều biện pháp ứng phó như chi viện nguồn nước từ các nơi ở xa về, đóng giếng khoan ngay trên ruộng để hút mạch nước ngầm tưới lúa...
“Lâu nay, cứ vụ hè thu là ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương lại phải ra quân đắp đập tạm ngăn mặn - giữ ngọt trên sông Thu Bồn. Đồng thời UBND tỉnh yêu cầu các hồ chứa thủy điện vận hành điều tiết xả nước về hạ du để đẩy mặn, tạo nguồn nước ngọt cho các trạm bơm hoạt động.
Thực tế thì các giải pháp trên có mang lại hiệu quả, nhưng không có tính bền vững. Để ổn định nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT tiến hành khảo sát, đánh giá tình trạng xâm nhập mặn và quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng công trình ngăn mặn có quy mô vĩnh cửu ở hạ du sông Thu Bồn” - ông Trương Xuân Tý nói.