Tính chuyện “hậu” cây cao su
Năm 2012 trở về trước, cao su được xem là “vàng trắng” giúp bao phận nghèo ở Hiệp Đức đổi đời. Thế nhưng 8 năm trở lại đây, giá mủ cao su giảm sâu, cộng với cơn bão số 9 diễn ra cuối tháng 10.2020 gây gãy đổ hàng loạt diện tích cao su đại điền và tiểu điền, khiến doanh nghiệp và nông dân bị thiệt hại nặng. Hiện doanh nghiệp, chính quyền các cấp, nông dân địa phương tính hướng phát triển mới trên những cánh rừng cao su hoặc các khu đất quy hoạch chuyên canh loại cây công nghiệp này...
Khó khăn chồng chất
Năm 2011, gia đình ông Lưu Phước Thịnh ở thôn Trà Linh Đông (xã Hiệp Hòa) cải tạo 3,5ha đất đồi trồng cao su tiểu điền. Đến năm 2017, toàn bộ diện tích cao su của ông Thịnh bước vào thời kỳ khai thác mủ. Trong 4 năm qua, bình quân hằng năm mỗi héc ta cao su cho giá trị khoảng 50 triệu đồng. Nhưng vào cuối tháng 10 năm ngoái cơn bão số 9 khiến hơn 20% diện tích cao su của ông Thịnh bị gãy đổ, gây thiệt hại lớn.
Ông Lương Phước Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa cho biết, ngoài 890ha cao su đại điền của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam, giai đoạn 2010 - 2014 nông dân trên địa bàn xã đầu tư trồng 256ha cao su tiểu điền. Đến năm 2020, khoảng 80 - 90% diện tích cao su tiểu điền nêu trên nằm trong thời kỳ khai thác mủ. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, vì giá mủ cao su tụt giảm sâu nên người dân Hiệp Hòa chỉ thu về 50 - 60 triệu đồng/ha/năm.
“Đáng nói, trong tổng số 256ha cao su tiểu điền của địa phương, cơn bão số 9 xảy ra hồi cuối tháng 10.2020 làm gãy đổ nghiêm trọng 200ha và thời gian qua người dân đã phá bỏ phần lớn diện tích hư hại, lấy gỗ bán cho doanh nghiệp với giá 30 - 50 triệu đồng/ha” - ông Nghĩa nói.
Được biết, từ năm 2005 - 2014 nông dân trên địa bàn Hiệp Đức trồng 1.710ha cao su tiểu điền, tập trung tại các địa phương Quế Lưu, Hiệp Hòa, Sông Trà, Thăng Phước, Bình Sơn, Tân Bình... Tuy nhiên, cơn bão số 9 năm 2020 đã làm thiệt hại nặng nề 906ha, hiện nay chỉ còn 804ha (trong đó vườn cây kinh doanh gần 661ha và vườn cây kiến thiết cơ bản 143ha).
Ông Thái Bảo Tri - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam cho biết, tổng diện tích cao su đại điền của đơn vị trên địa bàn Hiệp Đức hơn 2.477ha. Cuối tháng 10 năm ngoái, cơn bão số 9 đã làm gãy đổ gần 492ha. Do mức độ thiệt hại lớn, không thể khôi phục nên công ty đã làm hồ sơ trình Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho thanh lý số diện tích cao su bị gãy đổ.
Hiện nay, tại Hiệp Đức, công ty còn 1.985ha diện tích cao su đại điền, trong đó vườn cây khai thác hơn 1.136ha và vườn cây kiến thiết cơ bản gần 849ha. Không chỉ thiên tai gây thiệt hại nặng nề, từ năm 2013 đến nay giá mủ cao su trên thị trường giảm sâu khiến cho công ty và cả nghìn hộ dân trồng cao su tiểu điền ở Hiệp Đức gặp nhiều khó khăn.
Chuyển hướng đầu tư
Ông Lương Phước Nghĩa cho hay, đối với 56ha cao su tiểu điền không bị hư hại trong bão số 9 năm ngoái, thời gian qua chính quyền xã Hiệp Hòa vận động người dân tập trung đầu tư chăm sóc và khai thác mủ bán cho doanh nghiệp để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Đối với 200ha đã bị gãy đổ và khai thác gỗ bán, các đơn vị liên quan tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, rừng nguyên liệu hoặc xây dựng mô hình chăn nuôi bò thâm canh...
Bàn về phương kế cho cây cao su trên địa bàn, ông Nguyễn Như Công - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức nói, trước khó khăn của các hộ dân có vườn cao su tiểu điền bị hư hại nghiêm trọng trong bão số 9 năm 2020, huyện nhanh chóng chỉ đạo các ban ngành, địa phương tiến hành thống kê diện tích thiệt hại, hướng dẫn người dân tận thu và kịp thời báo cáo về UBND tỉnh, Sở NN&PTNT xem xét hỗ trợ theo quy định.
Đồng thời UBND huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp và UBND các xã, thị trấn vận động, khuyến khích người dân chuyển diện tích cao su tiểu điền bị ngã đổ sang trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp trên những khu đất có độ dốc thấp; xây dựng gia trại chăn nuôi gia súc ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học; trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng theo chứng nhận FSC ở những khu đất có độ dốc lớn.
Về phía doanh nghiệp, ông Thái Bảo Tri cho biết, tổng diện tích đất lâm nghiệp Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam được UBND tỉnh giao để quy hoạch trồng cao su đại điền trên địa bàn Hiệp Đức là 3.500ha. Đến nay, đơn vị đã trồng được hơn 2.477ha (kể cả gần 492ha bị gãy đổ do bão số 9 năm 2020).
Trong số hơn 1.000ha đất lâm nghiệp đã được UBND tỉnh giao nhưng thời gian qua chưa triển khai trồng cao su đại điền, hiện nay phía công ty tích cực phối hợp với các ngành liên quan của Hiệp Đức tiến hành kiểm tra, rà soát và sẽ giao lại khoảng 715ha cho người dân địa phương đầu tư phát triển sản xuất.
“Sắp tới công ty sẽ phối hợp với chính quyền huyện Hiệp Đức chuyển đổi mục đích sử dụng đối với diện tích cây cao su bị hư hại do bão và năng suất không cao. Vừa qua, doanh nghiệp và chính quyền địa phương có cuộc làm việc và đi đến thống nhất lập tờ trình đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam xem xét chuyển đổi bổ sung các loại hình đầu tư mới như hình thành một số khu - cụm công nghiệp ở những vùng có điều kiện thuận lợi; hợp tác với doanh nghiệp có uy tín đầu tư dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn, chẳng hạn như trồng chuối chuyên canh hoặc các loại cây ngắn ngày khác; xây dựng các khu chăn nuôi tập trung và đảm bảo an toàn dịch bệnh; phát triển các khu dân cư...” - ông Thái Bảo Tri chia sẻ.