Phú Ninh chú trọng đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm để thích ứng với hạn hán

HOÀNG ĐẠO 18/07/2021 20:07

(QNO) – Để ứng phó với điều kiện khí hậu ngày càng cực đoan, huyện Phú Ninh đang tập trung cho chương trình kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi đất màu và thủy lợi nhỏ trên địa bàn huyện. Đồng thời, sẽ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để sản xuất nông nghiệp được đảm bảo.

Phú Ninh xác định sẽ chú trọng vào tưới tiên tiến, tiết kiệm, thủy lợi hóa đất màu để thích ứng với hạn hán. Ảnh: H.Đ
Phú Ninh xác định chú trọng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm, thủy lợi hóa đất màu để thích ứng với hạn hán. Ảnh: H.Đ

Từ năm 2016, HĐND huyện Phú Ninh đã ban hành nghị quyết riêng về cơ cấu nguồn vốn đầu tư giữa ngân sách các cấp, thực hiện chương trình trình kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi đất màu và thủy lợi nhỏ. Từ nền móng này, chính quyền các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư và huy động sự đóng góp của nhân dân để thực hiện.

“Từ các Dự án phát triển nông thôn tổng hợp Miền Trung, Dự án hỗ trợ nông nghiệp có tưới WB3, WB7… chúng tôi đã kiên cố được 9,1km, nâng tổng số ki lô mét kênh mương loại II trên địa bàn huyện được kiên cố hóa lên hơn 85km, trên tổng số khoảng 94km hiện có” – ông Trịnh Ngọc An, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh cho biết.

Cùng với huy động đóng góp trong nhân dân và đầu tư từ Nhà nước gần 36 tỷ đồng, Phú Ninh đã bê tông được 39,6km kênh loại III, nâng tổng chiều dài kênh kiên cố lên 168,7km, phục vụ nước tưới ổn định cho 1.750ha đất sản xuất trên địa bàn huyện trong đó lúa 1.500, màu 250ha). Ngoài ra, 16 công trình thủy lợi nhỏ và thủy lợi đất màu được xây dựng phục vụ tưới ổn định cho 671ha đất sản xuất trên địa bàn.

Kiên cố hóa kênh mương giúp người nông dân sản xuất hiệu quả hơn. Ảnh: H.Đ
Kiên cố hóa kênh mương giúp người nông dân sản xuất hiệu quả hơn. Ảnh: H.Đ

“Nhiều công trình thủy lợi bức thiết được xây dựng, hệ thống kênh mương bao phủ rộng, hiệu quả phục vụ tốt nước tưới cho sản xuất nên nâng cao giá trị trên một đơn vị sản xuất, giảm chi phí quản lý, vận hành công trình thủy lợi” – ông An nhận định.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện Phú Ninh, việc đầu tư cho kênh mương, thủy lợi đất màu và thủy lợi nhỏ cũng gặp những khó khăn, hạn chế. Cơ cấu nguồn vốn để đầu tư hằng năm phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và nguồn vốn phân bổ theo còn ít so với nhu cầu vì vậy khi triển khai thường bị động.

Cùng với đó, kinh nghiệm về quản lý xây dựng ở UBND các xã, thị trấn còn hạn chế, việc giám sát chất lượng ở một số địa phương còn chưa đảm bảo nên có một số công trình chưa phát huy tối đa công năng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh Trần Quốc Danh, trước thực tế này và tình hình thời tiết diễn biến ngày càng cực đoan, nhất là nắng nóng, hạn hán, UBND huyện xác định giai đoạn tiếp theo sẽ đầu tư phát triển thủy lợi nhỏ, công trình thủy lợi nội đồng và nhất là phải làm tốt chương trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Trong đó, ưu tiên đầu tư những khu vực có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, các cánh đồng dồn điền đổi thửa, cánh đồng mẫu và các khu vực sản phẩm nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong tổng sản phẩm của địa phương.

“Từng bước chuyển đổi sang cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là định hướng về phát triển nông nghiệp bền vững của Phú Ninh trong tương lai. Ngoài việc giúp người nông dân sản xuất hiệu quả thì công tác này cũng góp phần xây dựng nông thôn mới, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra hiện nay” – ông Trần Quốc Danh nói.

Những năm gần đây, giá trị sản xuất nông nghiệp của Phú Ninh tăng nhờ vào định hướng đầu tư sản xuất bền vững. Ảnh: H.Đ
Những năm gần đây, giá trị sản xuất nông nghiệp của Phú Ninh tăng nhờ vào định hướng đầu tư sản xuất bền vững. Ảnh: H.Đ

Theo đó, Phú Ninh phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ kênh mương trên địa bàn huyện được kiên cố đạt trên 80% trên tổng số kênh mương hiện có, ưu tiên các kênh đất bức thiết, phù hợp với quy hoạch nông thôn mới. Cụ thể sẽ kiên cố 8,9 km kênh loại II còn lại và 55km kênh loại III. Đồng thời, chú trọng mở rộng diện tích tưới chủ động nước tại các địa phương vùng Tây kênh chính Phú Ninh với việc đầu tư 122 tỷ đồng xây dựng 9 công trình thuỷ lợi nhỏ.

Phú Ninh cũng mở cơ chế khuyến khích là hỗ trợ công trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước khi các tổ chức, cá nhân đầu tư phục vụ các loại cây trồng là cây chủ lực của quốc gia, địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Số lượng công trình đầu tư sẽ dựa trên cơ sở đề xuất hằng năm của mỗi địa phương, đơn vị. Dự kiến hỗ trợ xây dựng mỗi năm 2 công trình với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng” – Trưởng phòng NN&PTNT Phú Ninh Trịnh Ngọc An cho biết.

HOÀNG ĐẠO