Nhiều loại dịch bệnh trên đàn gia súc ở Bắc Trà My: Người chăn nuôi gặp khó
Người chăn nuôi ở Bắc Trà My gặp khó khăn bởi dịch viêm da nổi cục, bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng trên đàn gia súc.
Nửa cuối năm 2020, bà Trần Thị Ánh (người dân tộc Co tại thôn 1, xã Trà Giáp) bỏ ra gần 20 triệu đồng, mua 4 con heo nái, 2 con heo đực giống, quyết tâm tái đàn sau khi dịch tả lợn châu Phi tạm lắng.
Đầu tháng 3.2021, bà Ánh vui mừng bởi cả 4 lứa heo nái đều sinh sản với 23 con khỏe mạnh, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Thế nhưng, đến cuối tháng 3, đàn heo xuất hiện triệu chứng dịch tả lợn châu Phi, chị Ánh đành cùng ngành thú y địa phương tiêu hủy toàn bộ 29 con heo, tổng trọng lượng hơn 1,1 tấn, thiệt hại cả vốn lẫn công nuôi ước tính hơn 100 triệu đồng.
“Mình tưởng đã an toàn, không còn dịch nữa nên mới bỏ vốn và công sức ra chăn nuôi lại. Ai ngờ dịch tái phát không kịp trở tay. Mà dịch ni thì phải tiêu hủy hết heo mắc bệnh để phòng ngừa chứ không sẽ lây lan đến heo của hộ chăn nuôi khác” - bà Ánh nói.
Hồi cuối tháng 5.2021, ông Trần Văn Tám (người dân tộc Co, thôn 1, xã Trà Kót) cũng tiếc nuối vì cả đàn bò hàng chục con đều mắc bệnh viêm da nổi cục, trong đó 1 con bò gần 300kg chết vì mắc bệnh, phải tiêu hủy.
Không dừng lại ở đó, trong đầu tháng 7.2021, cả đàn heo lên đến 66 con của ông Tám lại mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đến ngày 9.7, gia đình ông và ngành thú y của huyện buộc phải tiêu hủy toàn bộ đàn heo, tổng trọng lượng cũng xấp xỉ 1,1 tấn.
“Dịch Covid-19 thì xảy ra liên miên, cả gia đình tôi đều bám trụ tại quê nhà để được an toàn, nhờ vào chăn nuôi mà kiếm sống. Nhưng bệnh dịch gia súc không tha, mất trắng hơn 150 triệu đồng, đã khổ nay lại khổ thêm” - ông Tám than thở.
Theo thống kê của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Bắc Trà My, tính đến nửa đầu tháng 7 này, cả 3 dịch bệnh nguy hiểm nhất đối với đàn gia súc đều đang hoành hành tại địa phương. Trong đó, dịch viêm da nổi cục xuất hiện khắp huyện. Có 227 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó 19 con chết, phải tiêu hủy.
Dịch tả lợn châu Phi, tuy mới tái phát hồi đầu tháng 3.2021, nhưng hiện đã lan đến 4 địa phương (Trà Kót, Trà Dương, Trà Giáp và thị trấn Trà My), 7 hộ chăn nuôi bị thiệt hại, phải tiêu hủy 221 con heo.
Dịch lở mồm long móng tái phát trong đầu tháng 4.2021, có 32 con trâu bò bị mắc bệnh tại 3 xã Trà Nú, Trà Đốc và Trà Giáp. Rất may, do được phát hiện sớm, ngành thú y huyện tập trung hướng dẫn các hộ chăn nuôi chữa trị kịp thời, không để bệnh diễn biến nặng nên tất cả trâu, bò mắc bệnh đều được chữa khỏi.
Theo ông Lê Minh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Bắc Trà My, dịch chồng dịch gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Gần 200 hộ chăn nuôi tại huyện có gia súc mắc bệnh.
Trong số đó, 27 hộ có trâu, bò, heo mắc bệnh chết phải tiêu hủy. Riêng dịch tả lợn châu Phi, khi phát bệnh, buộc phải tiêu hủy toàn bộ đàn heo nên nhiều hộ trắng tay. Ngành thú y huyện đang nỗ lực để dập dịch nhanh nhất có thể nhằm giảm thiểu thiệt hại. Các vùng có dịch đã được phun, tiêu độc khử trùng môi trường toàn bộ. Đối với dịch tả lợn châu Phi, khuyến cáo người chăn nuôi tạm dừng tái đàn.
“Riêng bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Song, dịch này đã có vắc xin phòng bệnh. Để giảm thiểu thiệt hại, giải pháp tối ưu là chủng ngừa càng nhanh càng tốt. Chúng tôi đang huy động tổng lực cán bộ thú y của huyện và các địa phương vào cuộc, phấn đấu đến hết tháng 7 hoặc đầu tháng 8, tiêm phòng dứt điểm số vắc xin còn lại cho tổng đàn trâu, bò trên toàn huyện đã được đăng ký” - ông Hải cho hay.