Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Ngọc I: Nhạy bén với thị trường
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Điện Ngọc I (Điện Bàn) đã nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh với nhiều dịch vụ hoạt động hiệu quả.
Những năm gần đây, không ít HTX tại Quảng Nam gặp khó khăn, hoạt động cầm chừng, không hiệu quả. Tuy nhiên, phát huy truyền thống của một đơn vị hình thành từ năm 1978, HTX Nông nghiệp Điện Ngọc I đã vượt qua thời khó để tồn tại, nhạy bén mở rộng sản xuất kinh doanh và đang trên đà phát triển.
“Ở lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi triển khai dịch vụ bảo vệ thực vật cho xã viên trên diện tích lúa gieo sạ 135ha. Để mô hình này phát huy hiệu quả, đội ngũ kỹ thuật gồm 9 thành viên được thành lập, chịu trách nhiệm theo dõi và kịp thời phun trừ dịch hại các cánh đồng lúa” - ông Phạm Kiệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Ngọc I nói.
Kết quả của mô hình trên là các đồng lúa chưa từng xảy ra mất mùa do sâu bệnh phá hoại, năng suất tăng từ 105 tạ/ha năm 2015 lên hơn 115 tạ/ha vào năm 2020. Với chừng đó diện tích đất canh tác lúa, đơn vị chỉ thu phí dịch vụ 189 triệu đồng/năm, song khoản tiền ấy không đủ chi phí nên phải lấy số lãi từ hoạt động dịch vụ khác bù đắp qua. Vậy nhưng, HTX xác định sẽ duy trì vì đây là gói dịch vụ hữu ích, thể hiện rõ vai trò “bà đỡ” thực thụ của nông dân.
Hay như nhằm đảm bảo nước tưới, 2 trạm bơm điện là Tứ Câu và Thanh Quýt cùng hệ thống kênh mương nội đồng dài 8km được HTX đưa vào phục vụ, tạo tiền đề để xã viên tiếp tục liên kết sản xuất 30ha lúa giống hàng hóa. Cạnh đó, HTX tiến hành cơ giới hóa các khâu làm đất và thu hoạch khi đang quản lý 5 máy cày, 4 máy gặt đập liên hợp.
Theo ông Phạm Kiệt, Điện Ngọc có tốc độ đô thị hóa nhanh, nếu chỉ ưu tiên các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp thuần túy thì khó có thể trụ vững giữa kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng.
Xuất phát từ thực tiễn trên, HTX sớm đầu tư cửa hàng xăng dầu và tổ chức dịch vụ cung ứng xăng dầu, giải quyết việc làm cho 7 lao động. Hình thức kinh doanh này tạo điều kiện cho thành viên mua nợ nhiên liệu phục vụ loại hình sản xuất khác. Riêng năm 2019, đơn vị bán ra hơn 1,6 triệu lít xăng dầu với doanh thu hơn 28,5 tỷ đồng.
Đơn vị này đầu tư riêng 2 trạm biến áp 250kVA (khối phố Ngân Giang) và 400kVA (khối phố Ngân Câu) với kinh phí 1,2 tỷ đồng; kéo gần 13km đường dây hạ thế để truyền tải điện, cung ứng hơn 5 triệu kWh điện cho gần 2.000 khách hàng/năm. Đồng thời cho thuê nhà xưởng làm cơ sở in hoa trên vải và kinh doanh ăn uống.
Nhờ vậy, tổng doanh thu của HTX năm 2016 từ 26,5 tỷ đồng, tăng lên khoảng 36 tỷ đồng năm 2020. Thu nhập bình quân người lao động 6,5 triệu đồng/tháng; người lao động được đóng đầy đủ các loại bảo hiểm theo quy định.
HTX Nông nghiệp Điện Ngọc I cũng là điển hình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, do Liên minh HTX Quảng Nam phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động.