Kiểm soát, phòng dịch trên vật nuôi: Còn nhiều trở ngại

BÍCH LIÊN 12/07/2021 07:22

Thời gian qua, dịch bệnh liên tiếp xuất hiện trên đàn vật nuôi của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nhưng công tác phòng chống vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Công tác kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi ở các địa phương gặp nhiều khó khăn do lực lượng thú y cơ sở thiếu hụt. Ảnh: H.L
Công tác kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi ở các địa phương gặp nhiều khó khăn do lực lượng thú y cơ sở thiếu hụt. Ảnh: H.L

Khi dịch viêm da nổi cục (VDNC) xuất hiện tại Đại Lộc, theo ông Lê Văn Thanh - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện, địa phương đã ban hành kế hoạch tiêm phòng khẩn cấp vắc xin cho đàn trâu bò, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch. Trung tâm mua 30 lít hóa chất diệt côn trùng cấp cho các địa phương.

Từ cuối tháng 6 đến nay, huyện triển khai tiêm 3.000 liều vắc xin và tiếp tục nhập về 8.725 liều. Thế nhưng công tác tiêm phòng ban đầu gặp trục trặc do các địa phương đăng ký số lượng lên tỉnh và tỉnh phân bổ, ưu tiên những địa bàn có dịch. Quy trình, thủ tục còn chậm do phải tuân thủ quy định hồ sơ, lựa chọn nhà thầu, chậm duyệt kinh phí.

Ông Thanh kiến nghị: “Đi đôi với cơ chế chủ động vắc xin, tỉnh cần có cơ chế cho các địa phương chủ động kinh phí để mua hóa chất diệt côn trùng (nhân tố trung gian truyền bệnh VDNC)”.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại Nông Sơn diễn biến phức tạp. Bệnh VDNC xảy ra tại 11 thôn/6 xã. Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện phối hợp với Phòng NN&PTNT tham mưu UBND huyện tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống. Đã phân bổ kinh phí kịp thời cho các xã mua 4.150 liều vắc xin VDNC để tiêm phòng…

“Trung tâm tiếp nhận 408 lít hóa chất Benkocid, IODINE và 48 lít chế phẩm vi sinh BiO Grow từ các chương trình hỗ trợ của tỉnh và trung ương cấp cho địa phương thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Công tác tiêm phòng vắc xin đợt 1.2021 đạt tỷ lệ thấp, vắc xin tiêm phòng bệnh VDNC mới triển khai được 175 liều tại xã Quế Trung, khả năng phát sinh dịch bệnh và lây lan rất cao” - ông Đặng Mai Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn thông tin.

Tại Nông Sơn, tiến độ triển khai công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng còn chậm, người chăn nuôi còn chủ quan, cố tình trốn tránh tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi... Trong khi đó, đội ngũ cán bộ thú y cơ sở còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Ông Trần Thiện Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn cho biết, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin trên đàn vật nuôi còn thấp do nhiều nguyên nhân, một phần do đội ngũ thú y cơ sở không còn mặn mà.

“Mỗi khi có dịch bệnh xảy ra hay có đợt tiêm phòng, phải đi động viên từng người bởi hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ thú y cơ sở không còn hoặc mức hỗ trợ quá thấp. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình trạng thiếu hụt lực lượng thú y cơ sở gây nhiều khó khăn, áp lực lớn ở địa phương” - ông Thắng nói.

Đây cũng là chia sẻ của ông Lê Văn Thanh - Giám đốc Trung tâm KTNN huyện Đại Lộc. Ông Thanh nói, sau các đợt dịch bệnh diễn biến phức tạp, đội ngũ thú y cơ sở không mặn mà bám trụ với nghề do áp lực lớn từ công việc, cơ chế và chính sách hỗ trợ thấp.

Ở nhiều địa phương, việc thực hiện đề án cải cách hành chính đã khiến nhiều phường, xã không còn cán bộ thú y phụ trách. Khi có dịch xảy ra, nhiều địa phương không nắm bắt kịp thời thông tin, rất khó để dập dịch. Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp trực thuộc các huyện, thị xã, thành phố thành lập trên cơ sở sáp nhập trạm chăn nuôi và thú y, trạm khuyến nông và trạm trồng trọt - bảo vệ thực vật.

Cán bộ chuyên trách thú y cấp xã phường không còn, chỉ kiêm nhiệm. Trong khi đây là lực lượng tham mưu chính quyền địa phương trong phòng chống dịch, bảo vệ đàn vật nuôi, trực tiếp tiêm vắc xin cho gia súc, gia cầm, phối hợp khoanh vùng dập dịch.

BÍCH LIÊN