Sản xuất phân vi sinh hữu cơ từ phế phẩm nấm rơm

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC 08/07/2021 15:28

(QNO) - Hơn 1 tháng qua, Hội Nông dân xã Bình Trị (Thăng Bình) phối hợp thử nghiệm mô hình sản xuất phân vi sinh hữu cơ từ phế phẩm nấm rơm, mang lại lợi ích cho nông dân và giảm lượng phế thải nấm rơm ra môi trường.

Từ phế thải nấm rơm, Hội Nông dân xã Bình Trị và Ban Nông nghiệp xã đã làm thử nghiệm phân vi sinh hữu cơ tại Lê Văn Lan (thôn Việt Sơn).
Thử nghiệm sản xuất phân vi sinh hữu cơ từ phế phẩm nấm rơm tại hộ ông Lê Văn Lan (thôn Việt Sơn, xã Bình Trị). Ảnh: BIÊN THỰC

Khoảng 10 năm trước, xã Bình Trị chỉ khoảng 20 hộ làm nấm rơm. Đến nay, con số này tăng gấp 10 lần với khoảng 200 hộ. Nghề làm nấm rơm đã giúp nhiều hộ dân địa phương xây dựng được nhà cửa khang trang, có của ăn của để.

Thế nhưng, mặt trái là phế thải từ nấm rơm có mặt hầu hết ở lòng suối, ven đường hay thậm chí tồn tại ngay trong khu dân cư. Tình trạng này đã gây mất mỹ quan nông thôn và ô nhiễm môi trường. Đây là vấn đề nhức nhối mà nhiều năm qua xã Bình Trị đã nhận thấy nhưng chưa thể xử lý triệt để, chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, vận động.

Cách đây hơn 1 tháng, Hội Nông dân xã Bình Trị và Ban Nông nghiệp xã phối hợp thực hiện mô hình ứng dụng sản xuất phân vi sinh hữu cơ từ phế thải nấm rơm tại hộ ông Lê Văn Lan (thôn Việt Sơn). Mô hình có sự tham gia đông đảo của những hộ làm nấm lân cận. Sau các công thức pha trộn từ chế phẩm sinh học, 5 tấn phế thải từ nấm rơm đã được ủ trộn.

Theo ông Lê Văn Lan, thời điểm này, toàn bộ lượng phân vi sinh hữu cơ trên đã có thể sử dụng được. Sắp tới, ông sẽ đem lượng phân này bón cho 1 mẫu ruộng và hoa màu khác. Nếu mô hình này giúp cây trồng sinh trưởng tốt hơn thì vụ đến gia đình ông có thể giảm được một nửa lượng phân bón hóa học.

Hộ Lê Văn Lan mong muốn sau thử nghiệm sẽ hạn chế được lượng phế thải từ nấm rơm ra môi trường
Mô hình giúp hộ ông Lê Văn Lan hạn chế lượng phế thải từ nấm rơm ra môi trường. Ảnh: BIÊN THỰC

“Mỗi tháng gia đình tôi làm khoảng 5.500 bánh rơm, ước tính có khoảng 7,5 tấn phế thải từ nấm rơm ra môi trường. Nếu tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ để làm phân vi sinh hữu cơ thì lượng phế thải ra môi trường không còn, vừa đem lại lợi ích lớn cho nông dân” - ông Lan nói.

Ông Trịnh Tấn Dõng - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Việt Sơn cho hay, nếu mô hình hiệu quả, chi hội sẽ khuyến khích các hộ khác cùng thực hiện. “Hiện nay chi hội không chỉ thực hiện “3 cùng” (cùng sản xuất nấm, cùng hỗ trợ kỹ thuật và cùng phát triển) mà còn tích cực chung tay bảo vệ môi trường từ việc biến phế thải thành phân hữu cơ vi sinh” - ông Dõng cho biết.

Theo ông Võ Hồng Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Trị, ước tính trung bình mỗi tháng, 200 hộ làm nấm rơm tại địa phương thải ra môi trường hơn 1.000 tấn phế thải rơm. Vì vậy việc tận dụng phế thải này để làm phân vi sinh hữu cơ là hướng đi có lợi cho nông dân và chính môi trường sống.

“Dự kiến giữa tháng 7 tới, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình mở rộng thêm 2 mô hình ứng dụng phế thải nấm rơm để làm phân hữu cơ vi sinh tại địa bàn Bình Trị. Đây sẽ là cơ hội lớn để các nông hộ áp dụng” - ông Sơn nói.

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC