Đại Lộc nỗ lực phòng bệnh viêm da nổi cục
Nỗ lực khoanh vùng dập dịch, tiêm phòng vắc xin... là những giải pháp được Đại Lộc chú trọng triển khai nhằm đảm bảo an toàn cho đàn trâu bò trước bệnh viêm da nổi cục (VDNC).
Chủ động khống chế dịch bệnh
Bệnh VDNC trên trâu bò xuất hiện tại Đại Lộc từ ngày 30.3.2021. Điểm dịch xuất hiện đầu tiên tại thôn Quảng Đại (Đại Cường) và lan rộng 43 thôn của 15 xã, thị trấn trong huyện.
Ông Lê Văn Thanh - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện cho hay, Đại Lộc có 16/18 xã, thị trấn đã phát sinh loại dịch bệnh này. Đến ngày 30.6, số trâu bò bị bệnh VDNC toàn huyện hơn 290 con, trong đó 107 con đã khỏi bệnh, 27 con buộc tiêu hủy và 160 con đang theo dõi do vết bệnh vẫn còn.
Hiện nay dịch bệnh này tại Đại Lộc đã cơ bản được khống chế, với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, lực lượng thú y và sự chủ động phòng chống của người chăn nuôi.
Tại Đại Hồng, ông Từ Thanh Thẩm - Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, trên địa bàn hiện có 1.300 con bò lai Sind. Trong đợt dịch bệnh VDNC bùng phát lần này, toàn xã chỉ có 12 con bò bị nhiễm bệnh và đều được điều trị khỏi. Đặc biệt, đến nay Đại Hồng đã hoàn tất tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC trên đàn bò...
Ông Thẩm chia sẻ, ngay khi trên địa bàn xuất hiện bệnh VDNC, chính quyền và lực lượng thú y cơ sở tích cực hướng dẫn người dân cách thức điều trị và phòng chống lây lan dịch bệnh, cách ly đàn vật nuôi khỏi đối tượng nhiễm bệnh. Đồng thời tích cực triển khai tiêm phòng và khuyến cáo người chăn nuôi tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc của mình. Với sự tích cực vào cuộc đó, dịch bệnh VDNC tại địa phương nhanh chóng bị khống chế và dập tắt.
Đẩy mạnh tiêm phòng
Ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết, ngay khi có thông tin về dịch bệnh VDNC, ngành nông nghiệp phối hợp các địa phương, đơn vị kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời, hạn chế dịch lây lan diện rộng.
Theo ông Phương, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 3.850 con trâu, 19.390 con bò, 30.660 con heo. Thời gian qua, Phòng NN&PTNT thường xuyên tham mưu UBND huyện trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch, hướng dẫn địa phương đang có dịch bệnh VDNC và các địa phương có nguy cơ cao xuất hiện dịch, phải tiêm phòng đạt tối thiểu 90% đàn gia súc.
Đối với địa phương không thuộc phạm vi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm phòng phải đạt tối thiểu 80% số gia súc thuộc diện tiêm phòng. Đại Lộc cũng đã sử dụng khoảng 500 lít hóa chất và hơn 3,5 tấn vôi để tiêu độc, khử trùng trong vùng dịch, diệt côn trùng gây bệnh.
Còn ông Lê Văn Thanh - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện cho biết, ngoài số vắc xin nhân dân tự tiêm phòng cho đàn gia súc, huyện nhập về 8.725 liều vắc xin và đã triển khai tiêm phòng xấp xỉ 3.000 liều, phấn đấu đến 10.7 phải dứt điểm tiêm phòng khẩn cấp.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nói, dịch bệnh VDNC vẫn đang có chiều hướng lây lan chậm trên đàn trâu bò. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, thống kê toàn bộ đàn trâu bò thuộc diện tiêm vắc xin, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ kỹ thuật phục vụ và xây dựng kế hoạch tiêm phòng cụ thể ở từng địa phương.
UBND huyện chỉ đạo phòng NN&PTNT, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp, các địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh ở các cơ sở chăn nuôi tập trung; hộ gia đình có chăn nuôi; cơ sở giết mổ; chợ; các khu vực chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm, mắc bệnh... Phân công cán bộ chuyên môn đứng điểm địa bàn triển khai, hướng dẫn tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh đạt hiệu quả.