"Bà đỡ" làm lúa giống

KHẢI KHIÊM 15/06/2021 06:46

Thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp I Điện Phước (xã Điện Phước, Điện Bàn) đã thực hiện hiệu quả việc cung ứng dịch vụ, góp phần nâng thu nhập cho nông dân và tích lũy từ sản xuất để xây dựng hạ tầng nông thôn.

Tham quan, học hỏi mô hình sản xuất lúa giống của Nông nghiệp I Điện Phước (ảnh chụp đầu năm 2021).Ảnh: K.K
Tham quan, học hỏi mô hình sản xuất lúa giống của Nông nghiệp I Điện Phước (ảnh chụp đầu năm 2021).Ảnh: K.K

HTX Nông nghiệp I Điện Phước (thành lập vào năm 1978) hoạt động chủ yếu với các dịch vụ tổ chức hướng dẫn sản xuất và làm khuyến nông; sản xuất và tiêu thụ giống, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; thủy lợi; cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ bảo vệ thực vật; kinh doanh điện; thu hoạch.

Thực hiện vai trò “bà đỡ”, HTX xây dựng gần 1.000m2 nhà xưởng, 4.000m2 sân phơi, trang bị 4 lò sấy lúa có công suất 40 tấn/ngày, 3 máy sơ chế. Cùng với đó, quản lý 18km đường dây điện hạ áp; 3 trạm bơm điện thủy lợi. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX bê tông hóa được hơn 20km kênh mương đảm bảo tưới cho toàn bộ đất lúa.

HTX Nông nghiệp I Điện Phước vinh dự được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, cùng nhiều huân chương, bằng khen, giấy khen và cờ thi đua khác. Cá nhân ông Nguyễn Mạnh Hùng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu tỉnh Quảng Nam lần thứ V, năm 2020.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp I Điện Phước cho biết, đơn vị không ngừng nâng cao chất lượng của các dịch vụ. Đơn cử, HTX hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật canh tác, kết hợp sử dụng công cụ sạ hàng nên lúa sinh trưởng đồng đều, sâu bệnh được khống chế.

Đến nay, diện tích sạ hàng trên địa bàn quản lý đạt hơn 80%. Với dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, người dân được bán ứng trước giống, phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật và chỉ thu hồi vào cuối vụ sản xuất, cho nên đã giảm gánh nặng đầu tư ban đầu.

Bằng nguồn vốn tích lũy, ngoài đầu tư trang thiết bị để tái sản xuất, HTX chung tay xây dựng nông thôn mới thông qua xây dựng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; nạo vét, làm mới kênh mương để dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng và làm cánh đồng mẫu với kinh phí 50 - 60 triệu đồng/năm.

Cạnh đó, hỗ trợ 40 triệu đồng/năm tạo điều kiện cho ban ngành, hội đoàn thể từ xã đến thôn hoạt động; hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa thôn đã góp phần để xã Điện Phước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh - ông Võ Bảy, một số HTX có mô hình mới, cách làm hiệu quả, là điểm đến để các đơn vị tham quan, học tập kinh nghiệm. Điển hình như HTX Nông nghiệp I Điện Phước với mô hình xây dựng chuỗi giá trị sản xuất lúa giống.

HTX này phối hợp cải tạo đồng ruộng, dồn điền đổi thửa và xây dựng 4 cánh đồng lớn chuyên sản xuất lúa giống với diện tích gần 180ha. Đồng thời liên doanh, liên kết với các công ty giống có uy tín để tổ chức sản xuất và tiêu thụ lúa giống. Mỗi năm, HTX sản xuất khoảng 1.200 - 1.300 tấn lúa giống, mang lại doanh thu hơn 10 tỷ đồng (lợi nhuận 200 - 400 triệu đồng), tạo việc làm 80 lao động thời vụ; nông dân có khoản thu nhập thêm hơn 1 tỷ đồng.

KHẢI KHIÊM