Chật vật chống hạn cho lúa
Do ảnh hưởng nặng nề của nắng hạn kéo dài, cả trăm héc ta đất sản xuất lúa vụ hè thu của 2 xã Đại Chánh, Đại Tân (Đại Lộc) đối diện với khó khăn lớn về nguồn nước tưới phục vụ gieo sạ.
Chờ nước để gieo sạ
Nhiều ngày qua, nhiều người dân canh tác trên cánh đồng đội 3, thôn Tập Phước (xã Đại Chánh) chưa thể xuống giống gieo sạ do chưa có nước, trong khi lịch thời vụ chung là kết thúc gieo sạ vào ngày 5.6. Ông Võ Văn Có (thôn Tập Phước) vác cuốc ra thăm đồng nhưng do chưa có nước về, ông chỉ biết chờ đợi.
Ông Có cho biết: “Đây là diện tích do trạm bơm của HTX Nông nghiệp Đại Chánh tưới. Trạm bơm này đã xuống cấp, cũ kỹ, hay bị hư nên đây là nguyên nhân khiến cánh đồng này chưa được đổ nước. Đề nghị huyện, tỉnh quan tâm hỗ trợ, kiện toàn hệ thống thủy lợi đảm bảo sản xuất” - ông Có nói.
Nguyên nhân của thực trạng này, do nhiều đoạn kênh mương chưa được nạo vét, khơi thông và trạm bơm Gò Lõi chưa được duy tu, nâng cấp sau mười mấy năm đưa vào sử dụng.
“Tuyến kênh N3 hiện bồi lấp, xuống cấp nhiều đoạn, địa phương đang cho khơi thông, nạo vét, trong khi đây là nhiệm vụ lẽ ra phải triển khai trước đó lâu rồi” - ông Có phản ánh.
Ông Trần Quốc Tân (trú thôn Tập Phước) chia sẻ thêm: “Ai nấy lo lắng là chừ nếu xoay xở đủ nước gieo sạ thì sẽ lấy đâu ra nguồn tưới cho vài lứa nữa, nếu trời tiếp tục không có mưa. Và nguy cơ mất mùa, sụt giảm năng suất sẽ hiển hiện”.
Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cấp nước
Ông Đào Thanh Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Chánh cho biết: “Khu vực người dân phản ánh còn khoảng 1,5ha và chúng tôi cam kết sẽ đổ kịp nước cho bà con gieo sạ vào 5.6”.
Cũng theo ông Tuấn, Đại Chánh hiện có 70km kênh mương, tỷ lệ kênh đất còn cao, thường xuyên bị hư hại, xuống cấp do mưa lũ. “Năm 2020, từ nguồn lực chương trình nông thôn mới, huyện phân bổ để đầu tư xây mới, nâng cấp, kiện toàn hệ thống kênh mương thủy lợi, sắm máy bơm, nâng cấp trạm bơm của HTX để đảm bảo sản xuất vụ mùa” - ông Tuấn nói.
Ông Huỳnh Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Đại Chánh cho rằng: “Trạm bơm HTX đã được sửa xong, sẽ cấp nước cho cánh đồng thôn Tập Phước để bà con gieo sạ trong nay mai, đảm bảo kết thúc gieo sạ vào 10.6 nên người dân không nên quá lo lắng”. Đại Chánh đã có 2/3 diện tích đã xuống giống, khoảng 200ha và địa phương đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cấp nước để bà con kết thúc gieo sạ chậm nhất là 10.6.
Cũng theo ông Hòa, ngày 2.6, Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc trực tiếp khảo sát tình hình hoạt động của trạm bơm Gò Lõi (thôn Tập Phước, đầu tư năm 2002) để có hướng nâng cấp trạm bơm này. Dự kiến, tổng kinh phí đầu tư, nâng cấp trạm bơm này khoảng 700 triệu đồng.
Cũng từ nguồn xây dựng nông thôn mới của huyện, huyện cũng cho triển khai nạo vét, đầu tư nâng cấp, bê tông hóa 2 tuyến kênh N2B, N3 qua thôn Tập Phước với tổng kinh phí mỗi tuyến khoảng 500 triệu đồng. Công trình hoàn thành sẽ tạo nguồn tưới ổn định, bền vững cho vụ mùa về sau.
Cứu 80ha vùng tưới Hố Chình
Vấn đề nan giải chính là gần 80ha đất lúa của 2 xã Đại Chánh (28ha) và Đại Tân (50ha) đang “đứng bánh”, có nguy cơ bị bỏ hoang do đập Hố Chình đã cạn kiệt nguồn tưới. Theo ông Đào Thanh Tuấn thì 28ha của Đại Chánh được cấp nước từ đập Hố Chình do HTX Nông nghiệp Đại Tân quản lý.
HTX Nông nghiệp Đại Chánh đã làm việc với HTX Nông nghiệp Đại Tân cùng với bà con nông dân tìm giải pháp lấy nguồn nước từ sông Vu Gia, bơm trực tiếp vào hệ thống nước của nhà máy cồn Đại Tân rồi xả ra đồng ruộng để bà con gieo sạ. Ngày 5.6, HTX Nông nghiệp Đại Tân sẽ xả nước theo kế hoạch.
Ông Hồ Xuân Hội - Chủ tịch UBND xã Đại Tân cho biết, với diện tích bị ảnh hưởng bởi đập bổi Hố Chình, xã đã vận động và bà con đồng tình sản xuất vào ngày 5.6, khi HTX Nông nghiệp Đại Tân mở nước. Song, giữa vụ, cuối vụ sẽ còn vài đợt tưới nữa, sẽ gặp khó khăn lớn nếu nắng hạn kéo dài và không có mưa.
Cũng theo ông Hội, hạn hán cũng đáng báo động tại xã Đại Tân với gần 100ha gặp khó về nguồn tưới. Đây là diện tích bị ảnh hưởng bởi đập Hố Chình và diện tích do trạm bơm của xã tưới. Nhiều cánh đồng Đại Tân có mặt ruộng cao hơn hệ thống kênh mương thủy lợi chính của Khe Tân nên phải bơm dợi mấy lần từ kênh chính mới đổ nước được vào ruộng, chi phí tiền điện và vận hành rất lớn.