Hiệu quả trồng sen kết hợp chăn nuôi
Qua thử nghiệm nhận thấy cây sen khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng, một số hội viên phụ nữ xã Sơn Viên (Nông Sơn) mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng sen lấy hạt kết hợp chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao.
Từ năm 2020, chị Võ Thị Bích Lệ (thôn Bình An) đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ 18 sào đất lúa kém hiệu quả sang trồng sen. Ba tháng sau khi ươm trồng, toàn bộ diện tích sen bước vào mùa thu hoạch hạt tươi và dự kiến thu hoạch rộ nhất là tầm tháng 5, tháng 6 âm lịch.
Chị Lệ cho biết, chi phí đầu tư trồng sen khá thấp, chủ yếu lấy công làm lời nhưng thu nhập từ sen cao gấp 5 - 7 lần so với trồng lúa. Các vụ trước, với mỗi sào sen, chị Lệ thu về tầm 1 tạ hạt sen tươi, bán được 4 - 5 triệu đồng, trong khi 1 sào lúa lợi nhuận chỉ tầm 600 - 700 nghìn đồng/vụ.
Ngoài nguồn thu chủ lực từ cây sen lấy hạt, chị Lệ còn tận dụng diện tích mặt nước để nuôi vịt, nuôi cá, trồng cỏ trên bờ để làm thức ăn cho cá, cho bò nhằm tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích. Với mỗi lứa nuôi cá, chị Lệ thả tầm 16 - 20kg cá giống, thu về cả chục triệu đồng, giúp gia tăng đáng kể nguồn thu nhập.
Xã Sơn Viên hiện có hơn 10 hộ tham gia trồng sen trên đất lúa chuyển đổi. Mô hình trồng sen riêng lẻ hay trồng sen kết hợp nuôi cá, nuôi vịt, trồng cỏ nuôi bò đang là hướng đi triển vọng, lại giúp khai thác, tận dụng triệt để diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả, bỏ hoang.
Theo Hội LHPN xã Sơn Viên, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn xã và huyện nói chung đã đẩy mạnh việc triển khai xây dựng nhiều mô hình liên kết phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hội viên phụ nữ, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Nhiều mô hình liên kết chuyển đổi cây trồng bước đầu đem lại hiệu quả, trong đó có mô hình trồng sen lấy hạt kết hợp chăn nuôi.
Bà Ngô Thị Thủy - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn viên cho hay, nhằm nâng cao hiệu quả từ mô hình trồng sen, Hội LHPN xã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đồng thời hướng dẫn chị em trồng sen kết hợp với xen canh, nuôi cá, vịt để bảo vệ môi trường và tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Ngoài mô hình của chị Võ Thị Bích Lệ, ruộng sen của các chị Nguyễn Thị Phương Thanh, Nguyễn Thị Cúc cũng cho thu nhập cao.
“Dù xuất hiện nhiều mô hình trồng sen trên địa bàn, song việc liên kết, kết hợp trồng sen với các đối tượng vật nuôi khác như cá, vịt, trồng cỏ trên cùng đơn vị diện tích như chị Võ Thị Bích Lệ vẫn còn khá ít. Thời gian tới, hội sẽ vận động chị em mạnh dạn tham gia, nhân rộng mô hình này” - bà Thủy nói.