Đại Lộc tập trung sản xuất vụ hè thu
Huyện Đại Lộc yêu cầu các địa phương và nông dân gieo sạ theo đúng kế hoạch của ngành nông nghiệp, chủ động chống hạn, chuyển đổi sang cây trồng cạn đối với vùng khô hạn... nhằm hạn chế rủi ro mất mùa, đảm bảo sản xuất vụ hè thu đạt hiệu quả.
Khẩn trương vào vụ
Ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết, để chuẩn bị sản xuất vụ hè thu, đơn vị đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các hợp tác xã (HTX), ban nông nghiệp các xã/thị trấn đồng bộ phương án chống hạn, chuẩn bị gieo sạ, xuống giống theo từng trà đúng kế hoạch.
Hiện khâu làm đất tại các địa phương cơ bản đã xong và một số địa phương đã tổ chức gieo sạ theo trà đúng lịch thời vụ. Các phương án đảm bảo nguồn nước thủy lợi cấp nước cho gieo sạ, tưới cho vụ hè thu đang được lên kế hoạch.
Về lịch thời vụ và cơ cấu giống, Phòng NN&PTNT huyện phổ biến rộng rãi đến nông dân về chủ trương sử dụng giống trung ngày (thời gian sinh trưởng từ 95 - 105 ngày) và ngắn ngày (dưới 95 ngày) để giảm thiểu tối đa tác động bất lợi của thời tiết, đảm bảo thu hoạch xong trước ngày 5.9, chậm nhất là 10.9. Tập trung gieo sạ đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống theo hướng dẫn của Sở NN&PTN, kết thúc gieo sạ chậm nhất vào ngày 5.6.2021.
Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, vụ sản xuất đông xuân vừa qua, nhiều vùng ở Đại Lộc thu hoạch muộn hơn các năm nên thời gian chuẩn bị cho vụ hè thu không nhiều. Huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, HTX và các địa phương khẩn trương triển khai biện pháp kỹ thuật sản xuất đầu vụ, tổ chức diệt chuột, triển khai phòng chống hạn mặn.
Các địa phương cần tuân thủ theo chỉ đạo của Sở NN&PTNT, lưu ý gieo sạ theo trà, vùng, cùng loại giống hoặc nhóm giống có cùng thời gian sinh trưởng trên từng cánh đồng để thuận lợi cho việc xây dựng kế hoạch tưới và áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, dễ chăm sóc, thu hoạch, hạn chế sâu bệnh lây lan.
Chủ động chống hạn
Vụ hè thu, một số vùng sản xuất của Đại Lộc khô hạn, thiếu nước cục bộ. Cả trăm héc ta ở các xã Đại Đồng, Đại Quang và Đại Hưng không chủ động được nguồn nước tưới. Ông Hồ Quách Triều Đổng - Chủ tịch UBND xã Đại Quang cho biết, vụ hè thu, nhiều cánh đồng ở xã gặp khó khăn về nguồn nước tưới, phải phụ thuộc vào các hồ đập, khe suối sát núi. Có tới 37 - 38ha lúa không chủ động nước, không thể xuống giống theo lịch thời vụ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vỹ - Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, cho hay toàn xã có hơn 30ha sản xuất lúa tập trung ở vùng đồi gò, ven núi, chủ yếu lấy nước từ các khe suối. Theo bà Vỹ, trong đợt lũ lụt vừa qua, một số tuyến kênh mương thủy lợi trên địa bàn xã bị bồi lấp, phải tiến hành nạo vét để dẫn nước vào đồng ruộng. Trước mắt, xã chỉ đạo HTX Nông nghiệp Đại Đồng triển khai nạo vét kênh mương, hồ đập rồi cân đối ngân sách hỗ trợ sau. Hiện, một số vùng của xã đã giải phóng xong đất, bắt đầu tiến hành gieo sạ theo vùng, theo trà.
Ông Hồ Ngọc Mẫn cho biết, đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện và các xã/thị trấn, các HTX tăng cường công tác phòng chống hạn cho cây trồng, tiến hành rà soát, bổ sung phương án phòng chống hạn của địa phương để chủ động ứng phó. Các diện tích do các hồ chứa thủy lợi cấp nước cần tính toán cân bằng nước để bố trí diện tích sản xuất phù hợp.
Đối với vùng thường xuyên thiếu nước hoặc sản xuất lúa kém hiệu quả, cần chuyển đổi sang cây trồng cạn như bắp, đậu xanh, rau các loại. Tăng cường tuyên truyền người dân về công tác chống hạn và tích cực vận động chuyển đổi đối với những diện tích do nắng hạn gây ra. Huyện cũng yêu cầu các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tổ chức khơi thông dòng chảy, tu sửa, nạo vét kênh mương, duy tu, bảo dưỡng tốt các trạm bơm, chuẩn bị các loại máy bơm dự phòng để sẵn sàng bơm tưới.