Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
Thời gian qua cán bộ và hội viên cựu chiến binh (CCB) huyện Quế Sơn luôn gương mẫu, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, đến nay không còn hội viên thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo.
Trở về từ chiến trường K, CCB Trần Hữu Sáu - Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Trung Thượng (xã Quế Long) tích cực tham gia công tác tại địa phương. Đến năm 2018, nghỉ tham gia việc địa phương do tuổi cao, song với ý chí quyết tâm của người lính Cụ Hồ, ông Sáu quyết tâm phát triển kinh tế gia đình và đã xây dựng mô hình tổng hợp vườn - ao - chuồng - rừng cho hiệu quả khá cao.
Với mô hình này, riêng chăn nuôi heo, mỗi năm, ông xuất bán hơn 60 con heo thịt. Ông còn đào ao thả cá chép hồng, cá ba sa, cá trắm cỏ; nuôi hơn 100 con gà mái đẻ, gà thịt và gần 70 con bồ câu; trồng 20 gốc thanh long ruột đỏ và hơn 8ha rừng keo nguyên liệu. Năm 2020 vừa qua, tính sơ bộ mô hình kinh tế tổng hợp này đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập hơn 150 triệu đồng.
Nhận thấy nghề trồng nấm rơm ít vốn đầu tư, lại phù hợp với điều kiện tại địa phương nên CCB Bùi Đình Quang Lâm (thôn Trung Hạ, xã Quế Hiệp) tìm hiểu, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm và mạnh dạn vay vốn mở trang trại.
Ông Lâm cho biết, ban đầu chỉ làm thử nghiệm trại nấm khoảng 60m2. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên nấm phát triển tốt, sản phẩm to và đẹp. Thấy hiệu quả bước đầu, ông Lâm đầu tư thêm 6 trại nấm với tổng diện tích hơn 1.000m2. Bình quân mỗi tháng ông thu hơn 2,5 tạ nấm tươi. Sản phẩm tiêu thụ mạnh tại TP.Đà Nẵng và nhiều địa phương trong tỉnh.
“Sau khi trừ chi phí, mô hình trồng nấm rơm đem lại lợi nhuận cho gia đình 250 - 300 triệu đồng/năm. Mô hình cũng giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức lương 4 - 5 triệu đồng/người/tháng” - ông Lâm cho hay.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Quế Sơn cho biết, toàn hội hiện có hơn 2.820 hội viên. Trong những năm qua, Hội CCB huyện tập trung chỉ đạo các tổ chức cơ sở hội triển khai, nhân rộng những mô hình kinh tế hộ phù hợp với điều kiện ở từng địa phương nhằm giúp hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời hội đứng ra nhận ủy thác cho vay với tổng dư nợ hiện nay hơn 65 tỷ đồng, giúp hội viên có nguồn vốn ban đầu để đầu tư phát triển kinh tế.
Nhờ vậy, đến nay cán bộ và hội viên CCB trong huyện đã xây dựng được hơn 100 mô hình kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hơn 500 lao động; bình quân hằng năm mỗi mô hình cho thu nhập 150 triệu đồng trở lên.
“Với tinh thần vượt khó, nỗ lực vươn lên của cán bộ và hội viên, đến nay Hội CCB Quế Sơn không còn hội viên thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ và hội viên được nâng lên đáng kể, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của huyện” - ông Dũng nói.