Doanh nghiệp bí đường xuất khẩu, người trồng ớt lao đao
(QNO) - Những ngày này, nông dân trên địa bàn huyện Duy Xuyên thu hoạch rộ vụ ớt đông xuân. Tuy nhiên, do đầu ra sản phẩm rất khó khăn khiến nhà nông lao đao.
Đông xuân này, ông Nguyễn Thanh Hồng (thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu) trồng gần 3 sào ớt. Nhờ thời tiết thuận lợi, nước tưới đảm bảo, áp dụng đúng quy trình thâm canh nên bình quân 1 sào thu được 1,5 tấn quả.
Đáng nói, thời điểm đầu vụ, thương lái đến tận ruộng ớt thu mua với giá 8.000 đồng/kg nhưng ngay sau đó giảm nhanh còn 4.000 đồng/kg, thậm chí bây giờ vắng bóng người mua. Điều này khiến ông Hồng hết sức lo lắng khi hầu hết ruộng ớt đã chín đỏ.
“Vào thời điểm được giá, đa số ruộng ớt nơi đây còn trong giai đoạn trái xanh nên ít người bán được. Đến lúc ớt bắt đầu chín đỏ cây thì giá lại giảm mạnh. Trong khi đó, chúng tôi đầu tư phân bón, công sức bình quân 1 sào gần 2 triệu đồng. Bây giờ, nếu tiếc của không chịu hái bán thì lỡ trời đổ mưa ớt sẽ rụng và hư thối hàng loạt” - ông Nguyễn Thanh Hồng nói.
Thôn Lệ Bắc của xã Duy Châu được xem là thủ phủ chuyên canh ớt ở huyện Duy Xuyên. Thời gian qua, chính quyền xã Duy Châu đã tạo điều kiện tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng ớt và nhiều loại cây màu khác cho phần lớn nông dân. Đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi hóa đất màu, đảm bảo cung ứng nguồn nước tưới nhằm giúp nông dân xây dựng hiệu quả mô hình luân canh, xen canh cây trồng cạn mang lại giá trị kinh tế cao.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phê – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lệ Bắc (xã Duy Châu) cho biết, vụ này nông dân địa phương trồng gần 30ha ớt, chủ yếu bố trí các giống Phù Sa 138, Trang nông, Ấn Độ, Thái Lan. Bình quân 1 sào thu hoạch khoảng 1,4 - 1,7 tấn quả, cao hơn 12% so với các vụ trước.
Theo ông Phê, nhiều năm qua Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng về đầu tư, hợp tác làm ăn tại địa phương theo mô hình liên kết chuỗi giá trị. Đông xuân này cũng vậy, doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản, chủ yếu là ớt. Theo hợp đồng đã ký kết, khi giá ớt trên thị trường tăng thì công ty thu mua theo giá thị trường; còn khi giá chạm đáy thì mua với giá sàn thấp nhất là 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nông sản không thể xuất khẩu sang thị trường nước ngoài nên việc thu mua gặp trục trặc.
“Trước tình hình đầu ra của cây ớt bế tắc, đơn vị vận động nông dân tranh thủ thu hoạch đem về phơi khô, không nên để ớt chín rụng ngoài đồng. Bởi, giá ớt khô đang được các thương lái thu mua với giá 25.000 đồng/kg” – ông Nguyễn Phê nói.
Theo ông Huỳnh Văn Ánh – chuyên viên phòng NN&PTNT Duy Xuyên, Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng đã về đầu tư, hợp tác với nông dân tại địa phương từ nhiều năm nay. Cùng với việc thực hiện nghiêm túc theo hợp đồng đã ký kết với nông dân thì đơn vị bỏ ra một khoản tiền không nhỏ xây dựng nhà xưởng, khu chế biến, nhà làm việc cùng một số hạng mục công trình khác.
“Hiện nay, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên thế giới và Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ, nhất là vấn đề xuất khẩu nông sản gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh chung đó, công ty này đang bế tắc về đầu ra nông sản. Vì vậy, doanh nghiệp mới chỉ thu mua khoảng 30% diện tích trồng ớt theo như hợp đồng đã ký kết. Toàn bộ lượng ớt đều đưa về dự trữ trong kho của đơn vị chứ chưa thể xuất bán cho đối tác” – ông Ánh nói.
Đông xuân này, nông dân Duy Xuyên canh tác gần 40ha ớt, tập trung nhiều nhất ở 2 xã Duy Châu và Duy Trinh. Năng suất bình quân đạt gần 30 tấn/ha, tăng 15% so với năm ngoái. Tuy nhiên, trên các cánh đồng chuyên canh ớt, nhà nông đều thấp thỏm trông chờ giá cả bớt ảm đạm, thị trường khởi sắc để gỡ gạc lại vốn...