Tạo đột phá cho nông nghiệp - nông thôn

NHÃ PHƯƠNG 01/05/2021 06:03

Những năm qua, nông nghiệp – nông thôn của tỉnh có bước chuyển biến tích cực. Thời gian tới, các cấp ngành sẽ nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tạo đột phá cho lĩnh vực trọng yếu này.

Các địa phương cần tập trung xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn và đẩy mạnh việc liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Ảnh: N.P
Các địa phương cần tập trung xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn và đẩy mạnh việc liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Ảnh: N.P

Thành quả và mục tiêu lớn

Ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua ngành nông nghiệp của tỉnh đối mặt nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai và dịch bệnh. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực từ nhiều phía, nông nghiệp vẫn đạt được thành quả đáng ghi nhận. Theo thống kê, năm 2020 tổng giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản của Quảng Nam đạt 14.185,5 tỷ đồng, tăng 3,03% so với năm 2019.

“Mặc dù phía trước còn rất nhiều trở lực nhưng ngành nông nghiệp vẫn quyết tâm tạo bước đột phá trong thời gian tới. Mục tiêu đặt ra là năm 2021 tổng giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản của tỉnh đạt 14.680 tỷ đồng, tăng 3,48% so với năm 2020” – ông Tích nói.

Cùng với việc tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, 10 năm qua tỉnh cũng quyết liệt triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM) và đã thực sự tạo được dấu ấn lớn.

Ông Phan Hùng Vĩnh – cán bộ chuyên trách Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết, từ năm 2010 – 2020 Quảng Nam đã đầu tư hơn 33.432 tỷ đồng cho chương trình này. Đến cuối tháng 4.2021 bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của 1 xã xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh là 15,96 tiêu chí, tăng 4,46 tiêu chí so với năm 2015 và tăng 13,35 tiêu chí so với năm 2010.

Tính tới thời điểm này, toàn tỉnh đã có 112/194 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (không kể 5 xã của thị xã Điện Bàn gồm Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Minh, Điện Phương đã đạt chuẩn NTM và vừa có nghị quyết lên phường).

“Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2025 Quảng Nam phấn đấu có 155 xã đạt chuẩn NTM (chiếm tỷ lệ 80%), trong đó có 64 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có ít nhất 40% trong tổng số 957 thôn trên toàn tỉnh đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu...” – ông Vĩnh nói thêm.

Hơn 3 năm qua, Quảng Nam cũng gặt hái khá nhiều “quả ngọt” trong quá trình triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP. Giai đoạn 2018 – 2020 tỉnh huy động hơn 280 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương và chủ thể thực hiện chương trình này. Đến nay, toàn tỉnh có 206 sản phẩm của 171 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP; trong đó có 179 sản phẩm 3 sao, 26 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Ông Nguyễn Phi Hồng - cán bộ chuyên trách OCOP của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, mục tiêu đặt ra là giai đoạn 2021 - 2025 Quảng Nam sẽ tập trung củng cố, nâng cấp 206 sản phẩm OCOP đã có và phát triển mới ít nhất 200 sản phẩm. Theo kế hoạch, riêng năm 2021 này toàn tỉnh phát triển mới 89 sản phẩm và nâng cấp 21 sản phẩm OCOP đã có.

Giải pháp tạo đột phá 

Trong nhiều chuyến làm việc tại Quảng Nam trước đây, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tỉnh cần tập trung rà soát, bổ sung, thiết lập bài bản quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.

Ông Cường cho rằng, trên lĩnh vực trồng trọt, ngành liên quan và chính quyền các địa phương của tỉnh phải tiếp tục đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để hình thành những mô hình cánh đồng mẫu, các vùng chuyên canh quy mô lớn. Đặc biệt, phải có những cơ chế thông thoáng thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn để “bắt tay” với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân tổ chức sản xuất các loại nông sản theo hướng hàng hóa, liên kết chuỗi giá trị nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh chú trọng quy hoạch xây dựng các khu, vùng chăn nuôi tập trung để phát triển lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức trang trại, gia trại. Trong điều kiện các loại dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, nếu không hạn chế tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, chắc chắn mức độ thiệt hại sẽ còn rất lớn.

Đối với lĩnh vực thủy sản, ông Phạm Viết Tích  cho rằng, bên cạnh việc ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ ngư dân cải hoán tàu thuyền để nâng cao công suất cũng như mua sắm các trang thiết bị hiện đại nhằm tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm đánh bắt.

Cùng với đó, rà soát quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản và đa dạng hóa đối tượng nuôi để nghề nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến hải sản để giúp người dân ổn định đầu ra sản phẩm. Về lâm nghiệp, tỉnh sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC và giúp người dân phát triển mạnh mô hình trồng rừng nguyên liệu bằng keo nuôi cấy mô, giống keo ngoại để tăng năng suất, giá trị sản phẩm.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, đối với việc thực hiện chương trình NTM, để đạt được mục tiêu đề ra của giai đoạn 2021 – 2025 thì còn nhiều việc phải làm. Trong đó, nhất thiết phải xây dựng bài bản kế hoạch, giải pháp để quá trình triển khai không lúng túng, vướng mắc. Ngoài huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thì phải đặc biệt quan tâm đến đời sống dân sinh khi xây dựng NTM. Muốn nâng cao nguồn thu nhập cho cư dân nông thôn, cần tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng công tác đào tạo nghề và đa dạng hóa các loại hình kinh tế.

NHÃ PHƯƠNG