Phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò: Không để lây lan diện rộng

NGUYỄN SỰ 27/04/2021 05:42

Thời gian gần đây, bệnh viêm da nổi cục xâm nhiễm vào địa bàn Quảng Nam khiến nhiều đàn trâu bò bị mắc phải tiêu hủy. Trước tình hình trên, ngành chức năng khuyến cáo chính quyền các cấp, lực lượng thú y và người chăn nuôi khẩn trương áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp để ngăn chặn vi rút gây bệnh lây lan.

Người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại và phun hóa chất diệt côn trùng để hạn chế sự lây lan của vi rút gây bệnh viêm da nổi cục. Ảnh: N.S
Người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại và phun hóa chất diệt côn trùng để hạn chế sự lây lan của vi rút gây bệnh viêm da nổi cục. Ảnh: N.S

Dịch diễn biến phức tạp

Chi cục Chăn nuôi & thú y tỉnh thông tin, từ ngày 5.3 đến nay, bệnh viêm da nổi cục lây lan khá nhanh tại nhiều địa phương của tỉnh. Thống kê sơ bộ đến ngày  26.4, Quảng Nam đã có 133 con bò của 109 hộ dân ở 37 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố gồm Đại Lộc, Duy Xuyên, Tiên Phước, Thăng Bình, Núi Thành, Phú Ninh, Nông Sơn, Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ bị mắc bệnh. Đến nay, đã có 12 con bò (trọng lượng gần 1,8 tấn) phải tiêu hủy bắt buộc và 3 con bò lành bệnh về triệu chứng lâm sàng.

Ông Nguyễn Văn Hoàng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y tỉnh nói: “Bệnh viêm da nổi cục lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve… Đồng thời bệnh có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh từ vùng có dịch hoặc do sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp”.

Những triệu chứng chính của bệnh là trâu, bò sốt cao 40 - 41 độ C, ăn uống kém hoặc bỏ ăn. Giảm tiết sữa rõ rệt ở trâu, bò đang cho con bú. Da nổi những nốt sần, cục cứng đường kính khoảng 1 - 5cm, đặc biệt là ở vùng da cổ, đầu, bầu vú, cơ quan sinh dục và vùng đáy chậu.

Tùy từng thể bệnh, số nốt sần, cục có thể nhiều ít khác nhau. Trường hợp bệnh nhẹ, số nốt sần, cục nổi ít; trường hợp bệnh nặng, số nốt sần, cục mọc khắp cơ thể. Các nốt sần này có thể mất đi theo thời gian nhưng vùng giữa của nốt sần thường bong vảy tạo vết thương hở, sâu, thu hút côn trùng.

Cần nói thêm, trâu bò nhiễm bệnh còn bị loét ở vùng mõm, môi và trong miệng, mũi; tăng tiết dịch ở mắt, mũi và miệng chảy nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết (hạch trước vai, hạch sau đùi). Tuy nhiên, cũng có một số trâu, bò khi bị mắc bệnh không biểu hiện triệu chứng bên ngoài nhưng mang vi rút trong máu và có thể truyền bệnh cho trâu, bò khỏe mạnh thông qua côn trùng hút máu...

Khẩn trương phòng chống

Theo ngành chuyên môn, bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra trên trâu, bò. Vi rút này không gây bệnh cho người. Bệnh xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú nhất. Bệnh gây thiệt hại về năng suất do giảm sản lượng sữa, giảm khả năng sinh sản, sẩy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng và có thể chết.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục, Chi cục Chăn nuôi & thú y tỉnh đã có công văn đề nghị Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương phối hợp với cơ quan truyền thông cấp huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu rõ về sự nguy hiểm của bệnh nhằm chủ động theo dõi, phát hiện và triển khai phòng chống dịch đạt hiệu quả. Đồng thời hướng dẫn nhân viên thú y cấp xã tăng cường theo dõi, giám sát đàn trâu bò trên địa bàn quản lý.

Trường hợp phát hiện trâu bò có biểu hiện mắc bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh viêm da nổi cục hoặc nghi trâu bò và sản phẩm trâu bò nhập lậu trái phép thì tiến hành lấy mẫu gửi chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Việc lấy mẫu phải có sự phối hợp chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi & thú y để quản lý dịch bệnh và tham mưu chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh.

Các ngành, địa phương tăng cường giám sát hoạt động vận chuyển, nhập trâu bò tại cơ sở chăn nuôi; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập trâu bò tại các điểm thu gom, kinh doanh và tại các cơ sở giết mổ tập trung, điểm giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn, lưu ý các điểm giết mổ trái phép. Hướng dẫn người chăn nuôi chỉ mua trâu bò có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y (nếu mua trâu bò từ tỉnh khác). Trâu bò mới nhập đàn cần được kiểm tra trước khi vận chuyển và được nuôi cách ly trong vòng 28 ngày.

Ngành chuyên môn cũng khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên sử dụng thuốc diệt côn trùng. Không để nước tù đọng, phân rác ô nhiễm để côn trùng không có cơ hội sinh sản. Hạn chế người vào trại chăn nuôi. Tất cả phương tiện, thiết bị, giày, ủng của người vào trại phải được làm sạch một cách phù hợp trước khi vào trại...

UBND tỉnh cũng đã ban hành Công văn số 1117 yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan căn cứ hướng dẫn của Bộ NN&PTNT và tình hình thực tế của tỉnh để xem xét, quyết định việc sử dụng vắc xin Lumpyvac tiêm phòng khẩn cấp phòng dịch viêm da nổi cục cho đàn trâu bò thuộc diện tiêm phòng theo quy định. Đồng thời triển khai kịp thời, đồng bộ các biện pháp, không để dịch bùng phát lây lan trên địa bàn tỉnh.

NGUYỄN SỰ