Hiệu quả chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp ở Điện Bàn

VĨNH LỘC 02/04/2021 14:45

(QNO) - Phân vùng sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị đã mang đến hiệu quả tích cực cho nông dân thị xã Điện Bàn.

Việc chuyển đổi các mô hình chăn nuôi ở Điện Bàn đã góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp
Nuôi bò 3B mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân xã Điện Quang (Điện Bàn). Ảnh: VĨNH LỘC

Khá giả từ bò 3B

Ông Phạm Dũng (thôn Bến Đền, xã Điện Quang) cùng vợ cặm cụi cắt cỏ voi, chở về khu chuồng trại cách đó gần 300m - nơi nuôi 15 con bò giống 3B. Từ 3 năm nay, gia đình ông chuyển sang nuôi bò giống 3B với tỷ lệ sinh đều mỗi năm 1 con, sau 6 tháng ông bán thu về 27 - 30 triệu đồng/bò con. Năm 2020, thu nhập từ chăn nuôi bò giống 3B của gia đình ông hơn 200 triệu đồng.

Theo ông Dũng, ưu thế của bò 3B là mau lớn, trọng lượng cao, con trưởng thành có thể nặng đến 600kg. Cuối năm 2020, ông bán 1 con bò đực 20 tháng tuổi giá 60 triệu đồng. “Ở quê làm nông kết hợp chăn nuôi như thế này rất hiệu quả vì tận dụng đất đai, cây màu nuôi bò” - ông Dũng nói.

Ngoài ăn cỏ, bò nhà ông Dũng còn được cho ăn hèm bia, bột cám… So với cách nuôi dân gian, nuôi bò công nghệ cao tốn kém hơn nhưng bù lại mau lớn, tiết kiệm nhân công, chủ yếu nuôi nhốt tập trung.

Nhiều phân tích cho thấy, bò 3B dễ nuôi, tăng trọng nhanh, nếu vệ sinh chuồng trại và áp dụng kỹ thuật chăn nuôi chuẩn thì bò hầu như không mắc bệnh. Thời gian nuôi 12 - 15 tháng có thể xuất bán. Trọng lượng mỗi con thời điểm xuất bán dao động 500 - 600kg.

Tại xã Điện Quang, trong tổng số đàn bò 4.900 con, bò 3B chiếm khoảng 70%, tập trung chủ yếu ở thôn Bến Đền, hộ ít vài ba con, nhiều có thể lên đến 20 - 30 con. Với giá bò hơi 90 nghìn đồng/kg như hiện nay, trừ tất cả chi phí, người nuôi có thể thu lãi từ 7 triệu đồng/con, cao 1,5 - 2 lần so với các giống bò thường.

Bà Trần Kim Thoa - Chủ tịch UBND xã Điện Quang khẳng định, so với các giống bò truyền thống, hiệu quả bò 3B khá cao. Thời gian qua địa phương vận động người dân chuyển đổi mô hình chăn nuôi sang bò 3B nhằm nâng cao giá trị kinh tế.

Đến nay, ngoài một số mô hình chăn nuôi tập trung, nhiều hộ dân cũng đã chuyển đổi sang nuôi nhỏ lẻ bò 3B. “Điện Quang có lợi thế về đất màu nên người dân có thể tận dụng phế phẩm nông nghiệp để chăn nuôi bò 3B” - bà Thoa chia sẻ.

Nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, quy mô nuôi bò 3B toàn thị xã hiện đạt khoảng 5.000 con, tập trung phần lớn vùng Gò Nổi (Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang), trong đó Điện Quang chiếm khoảng 60% với gần 3.000 con.

Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã, thời gian qua việc nuôi bò 3B được Điện Bàn triển khai mạnh vì giá trị kinh tế cao. Đặc biệt người chăn nuôi cũng được hưởng nhiều hỗ trợ từ chương trình nông thôn mới khi nuôi, trung bình mỗi mô hình nuôi bò 3B được hỗ trợ 90 triệu đồng, chủ yếu hỗ trợ giống, thức ăn 6 tháng, máy xay…

Nếu như năm 2019 có 13 mô hình được hỗ trợ thì sang năm 2020 số mô hình nuôi bò 3B được hỗ trợ toàn thị xã lên con số 31. “Thông thường bò 3B nuôi 12 tháng tuổi giá bán khoảng 50 triệu đồng/con, lãi 10 - 12 triệu đồng. So với các giống bò trước đây phải nuôi 16 - 17 tháng thì hiệu quả bò 3B cao hơn rất nhiều” - ông Chơi phân tích.

Mô hình trồng măng tây xanh đang được phát triển nhân rộng ở Điện Bàn
Mô hình trồng măng tây xanh đang được nhân rộng ở Điện Bàn. Ảnh: VĨNH LỘC

Cũng theo ông Nguyễn Đức Chơi, việc chuyển đổi các mô hình nông nghiệp hướng đến mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị luôn được thị xã chú trọng. Đến nay, Điện Bàn đã xây dựng quy hoạch phân vùng phát triển nông nghiệp theo 2 khu vực phía đông và phía tây quốc lộ 1.

Nếu như vùng phía đông được quy hoạch trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, không ô nhiễm môi trường như hoa, rau củ quả... thì khu vực phía tây phát triển theo hướng truyền thống với các loại cây lương thực, thực phẩm ngắn ngày. Riêng vùng Gò Nổi chú trọng đẩy mạnh chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi bò công nghệ cao.

“Sau thành công của mô hình chăn nuôi bò 3B, năm 2021 Điện Bàn chủ yếu tập trung vào một số chuỗi giá trị mới như sản xuất vùng lúa giống tại các xã, phường: Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Phước, Điện An với khoảng 1.000ha/năm. Qua đó giúp đa dạng và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp hiện nay” - ông Chơi thông tin.

Ngoài ra, Điện Bàn cũng sẽ tập trung làm các chương trình OCOP, đồng thời nghiên cứu hỗ trợ mô hình nuôi bò 3B trong chương trình phân bổ vốn của tỉnh cho một số phường đô thị có tỷ lệ sản xuất nông nghiệp lớn...

VĨNH LỘC