Nỗ lực khống chế dịch cúm gia cầm

NGUYỄN SỰ 04/03/2021 04:59

Những ngày qua, ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm nhanh chóng khống chế, dập tắt sự lây lan của vi rút cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm.

Tiến hành tiêu hủy bắt buộc số gia cầm bị nhiễm dịch cúm A/H5N6 ở xã Tam Vinh (Phú Ninh). Ảnh: N.S
Tiến hành tiêu hủy bắt buộc số gia cầm bị nhiễm dịch cúm A/H5N6 ở xã Tam Vinh (Phú Ninh). Ảnh: N.S

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào chiều qua 3.3, ông Bùi Thanh Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Thăng Bình cho biết, sau khi kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm khẳng định đàn gà của gia đình ông Lê Duy Đức ở thôn Tịch Yên (xã Bình Nam) dương tính với vi rút cúm A/H5N6, ngày 20.2 lực lượng thú y huyện cùng chính quyền địa phương khẩn trương tiêu hủy bắt buộc toàn bộ 2.400 con gà của hộ ông Đức; tiến hành vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng trên diện rộng để ngăn chặn vi rút gây bệnh lây lan.

Theo ông Bùi Thanh Việt, sau khi tiêu hủy đàn gà của hộ ông Lê Duy Đức, trong vòng 13 ngày trở lại đây trên địa bàn Thăng Bình không phát sinh đàn gia cầm nào bị nhiễm vi rút cúm A/H5N6. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch vẫn được các cấp, ngành của huyện và người chăn nuôi hết sức quan tâm.

Trong 2 tuần qua, ngoài việc người dân ở xã Bình Nam tự mua vắc xin tiêm ngừa cho đàn gia cầm, lực lượng thú y huyện cùng thú y cơ sở trưng dụng lượng vắc xin do tỉnh hỗ trợ khẩn trương tổ chức tiêm phòng bao vây dịch tại ổ dịch xã Bình Nam và một số địa phương lân cận như Bình An, Bình Sa, Bình Hải với tổng số lượng khoảng 15 nghìn liều.

Cùng với tiêm phòng bao vây dịch, các đơn vị liên quan đã xuất cấp cho xã Bình Nam 80 lít hóa chất và 1 tấn vôi bột để duy trì thường xuyên công tác vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng; với những xã, thị trấn chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm, huyện cũng hỗ trợ mỗi địa phương 25 lít hóa chất để thực hiện công tác này.

Ngành thú y tỉnh đã thống nhất hỗ trợ thêm cho Thăng Bình 30 nghìn liều vắc xin, chúng tôi sẽ gấp rút tiếp nhận để cuối tuần này tổ chức tiêm phòng cho những đàn gia cầm ở các khu vực có nguy cơ cao bị vi rút cúm A/H5N6 xâm nhiễm.

Cũng trong chiều qua 3.3, ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam cho hay, ngoài xã Bình Nam của huyện Thăng Bình, tại các xã Tam Vinh (Phú Ninh) và Tam Thăng (Tam Kỳ) vừa có 3.750 con gà của 2 hộ chăn nuôi phải tiêu hủy bắt buộc vì nhiễm dịch cúm A/H5N6.

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bên cạnh đề nghị chính quyền các cấp tăng cường giám sát địa bàn, khẩn trương xử lý những ổ dịch mới phát sinh và tập trung triển khai công tác vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng trên phạm vi rộng thì ngành thú y tỉnh cũng đã quyết định chi viện cho Thăng Bình và Tam Kỳ mỗi địa phương 30 nghìn liều vắc xin để tổ chức tiêm phòng bao vây, khống chế dịch. Hiện nay Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam có dự trữ 14 nghìn lít hóa chất các loại, sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương phục vụ công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.

Ông Nguyễn Thành Nam cho biết, theo số liệu thống kê mới nhất, hiện nay tổng đàn gia cầm của Quảng Nam ước đạt 8,45 triệu con các loại, tăng 476 nghìn con so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, đàn gà có 6,72 triệu con, tăng 445 nghìn con so với thời điểm này năm ngoái. 4 năm gần đây, dịch cúm gia cầm ít hoặc không gây hại ở Quảng Nam nên phần lớn người chăn nuôi có tâm lý chủ quan phòng dịch, đây là nguyên nhân chính khiến mầm bệnh tái bùng phát.

“Mặc dù đàn gia cầm phát triển khá mạnh nhưng thực tế cho thấy tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cúm A/H5N1 và cúm A/H5N6 đạt rất thấp. Không chỉ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà cả một số chủ gia trại, trang trại thả nuôi gia cầm với số lượng vừa và lớn cũng không chú trọng công tác này. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là thời gian nuôi gia cầm ngắn, trong khi đó tỉnh không có cơ chế hỗ trợ vắc xin tiêm phòng đại trà (chỉ hỗ trợ tiêm phòng bao vây khi có ổ dịch phát sinh - PV) nên người chăn nuôi không hoặc ít tổ chức tiêm phòng cho đàn gia cầm...” - ông Nam nói.

NGUYỄN SỰ