Sản phẩm thời hội nhập
(Xuân Tân Sửu) - Quảng Nam là “yết hầu của miền Thuận - Quảng”, có tài nguyên đa dạng phong phú. Nhờ đó, nhiều ngành nghề sinh sôi, có tiềm năng phát triển. Hàng hóa xứ Quảng một thời nổi tiếng như “Đại nam nhất thống chí” từng mô tả “cửa biển Đại Chiêm thuyền bè sum họp, chợ phố Hội An hàng hóa nhóm đầy, thực là nơi đô hội,…”.
Qua các cuộc mở nước triều Trần, Hồ, Hậu Lê, đã có các cuộc di dân lớn từ vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh vào châu Hóa, rồi đến Quảng Nam, tiếp thu tinh hoa bản địa để phát triển nghề nông, nghề biển và nghề rừng. Đến thời các chúa Nguyễn, nhờ chính sách giao thương mở rộng, đã thu hút bước chân người Hoa, Nhật,… đến định cư, dịch vụ thương mãi có cơ hội phát triển, tăng cường xuất khẩu hàng hóa, nên càng kích thích nhiều nghề thủ công mỹ nghệ ra đời.
Vang bóng một thời
Trước khi Quảng Nam sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt, cư dân bản địa là người Sa Huỳnh, Chămpa được lịch sử ghi nhận đã biết trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm, xe sợi, dệt vải, khai thác và chế biến lâm sản; đặc biệt giỏi nghề đóng tàu thuyền, chế biến hải sản (như các loại mắm), chế tác đồ trang sức, làm gốm, xây dựng (tháp, đền, giếng cổ…).
Theo bước lưu dân, người Việt vào đây đã tiếp thu, tiếp biến để hình thành chuỗi làng nghề nông, nghề thủ công mỹ nghệ, đồng thời tiếp tục phát triển nghề biển và nghề rừng, biến Quảng Nam thành “xứ trăm nghề”, thành một trung tâm sản xuất hàng hóa của Đàng Trong.
Điểm nhấn đặc biệt có lẽ là nghề đóng ghe bầu, đóng thuyền của người Quảng. Thomas Bowyear, thương nhân người Anh đến Đàng Trong năm 1695 - 1696 cho biết “… Các chiến thuyền đều do xưởng của phủ chúa đóng. Xưởng đóng tàu Hà Mật có tới 4.000 thợ và đóng được những chiến thuyền trọng tải đến 400 tấn”. Cuối thế kỷ 18, Quảng Nam ít nhất có 63 địa chỉ đóng ghe thuyền. Cuối thế kỷ 19, trong “Đồng Khánh dư địa chí”, khi liệt kê dân đinh Quảng Nam cho thấy lực lượng thợ đóng thuyền rất hùng hậu.
Nghề rừng thì “Địa chí Quảng Nam” khoảng cuối thế kỷ 19, có nêu về 6 ngõ nguồn: “Hữu Bàng sát núi Trà My/Chiên Đàn thì lại ở về phía trong/Thu Bồn một dải cong vòng/Ô Gia thì ở bên dòng sông Con/Lỗ Đông sát núi Cao Sơn/Cu Đê thì ở gần hòn Hải Vân”. Suốt hơn hai trăm năm, các đời chúa Nguyễn xây dựng Dinh trấn Thanh Chiêm và phát triển Thương cảng Hội An, sông Thu Bồn và Trường Giang trở thành “con đường tiêu quế”, tập trung tại phố cảng để buôn bán ra nước ngoài. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có viết: “Tại xứ Quảng Nam, các thứ thổ sản như trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, bông gòn, sáp ong, cau tươi, hồ tiêu…, các thứ gỗ đều sản xuất ở đây cả”.
Phát triển nghề gắn với OCOP
Do nhu cầu của thị trường, tại xứ Quảng có làng nghề và nghề mai một, nhưng vẫn có làng nghề và nghề tiếp tục phát huy, phát triển nhiều sản phẩm mới dựa trên giá trị văn hóa, với tinh thần dấn thân khởi nghiệp cùng hành trình xây dựng “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Gắn với xứ trăm nghề, trong 3 năm qua toàn tỉnh có 210 sản phẩm các loại thuộc nhiều nhóm ngành hàng của 189 chủ thể được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh (23 sản phẩm 4 sao, 186 sản phẩm 3 sao; đặc biệt có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao). Quảng Nam tự hào là địa phương có số lượng sản phẩm khởi nghiệp – OCOP – công nghiệp nông thôn tiêu biểu ở tốp đầu cả nước.
Các sản phẩm khởi nghiệp – OCOP – công nghiệp nông thôn tiêu biểu xứ Quảng là các sản phẩm đặc trưng, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương, đáp ứng theo yêu cầu quản lý chất lượng sản phẩm và đầu tư bài bản kiểu dáng, mẫu mã bao bì đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và quy định công bố thông tin sản phẩm. Rất nhiều sản phẩm truyền thống đã ứng dụng các thiết bị máy móc hiện đại, cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng. Điều đặc biệt, hầu hết sản phẩm đã dành nhiều công sức quảng bá rộng rãi, ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển thương mại điện tử, nên hàng hóa giờ đây đã “vượt lũy tre làng” đi ra thế giới.
Làm sao cho Quảng Nam thời hội nhập tiếp tục sinh sôi trăm nghề để phồn vinh, là hành trình đầy khát vọng!