Truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Bắt đầu từ chủ thể
(Xuân Tân Sửu) - Nông sản an toàn được bao gói, có nhãn hàng hóa và tem truy xuất nguồn gốc (mã vạch, QR-Code...) đang được người tiêu dùng tin tưởng. Vì vậy, truy xuất nguồn gốc sản phẩm là chìa khóa để nông sản vào các siêu thị, trung tâm thương mại trong nước và xuất khẩu.
Tại sao phải truy xuất nguồn gốc?
Theo quy định, truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông sản phải đáp ứng yêu cầu có “khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh”; “cơ sở phải lưu giữ thông tin để đảm bảo khả năng nhận diện được cơ sở sản xuất kinh doanh/công đoạn sản xuất trước và cơ sở sản xuất kinh doanh/công đoạn sản xuất tiếp theo sau trong quá trình sản xuất kinh doanh đối với một sản phẩm được truy xuất”. Khi có vấn đề gì phát sinh liên quan tới thành phẩm, có thể truy xuất lại thông tin, thu hồi sản phẩm và tìm ra bên chịu trách nhiệm chính. Vì vậy, truy xuất nguồn gốc không đơn giản là việc dán các loại tem truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm.
Nông sản trên địa bàn Quảng Nam được hợp tác, liên kết sản xuất theo hợp đồng như lúa giống, chăn nuôi gia công còn chiếm tỷ trọng nhỏ; phần lớn còn lại, từng nông hộ tự sản xuất và tiêu thụ. Dù xuất khẩu hay tiêu thụ trong nước, nông dân cũng chỉ bán những nông sản thô. Nông sản thô bán ở các chợ truyền thống nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật về truy xuất nguồn gốc và các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng. Khi khối lượng nông sản nhiều vẫn đang quyết định thu nhập của người nông dân, thì sản xuất nông nghiệp vẫn còn đặt nặng mục tiêu năng suất. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu, kể cả Trung Quốc, đều có những yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng và truy xuất nguồn gốc với các thực phẩm nông sản. Trong nước, cùng với điều kiện kinh tế được cải thiện và mối lo về mất vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng tăng, nhu cầu về thực phẩm nông sản an toàn, có thể truy xuất nguồn gốc cũng tăng theo.
Xây dựng các chủ thể năng động
Quảng Nam có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông sản được không và bắt đầu từ đâu? Có nhiều việc phải làm nhưng nên bắt đầu từ thúc đẩy hình thành các chủ thể sản phẩm, bởi từng hộ sản xuất nhỏ không thể làm truy xuất nguồn gốc. Đó phải là HTX/tổ hợp tác, doanh nghiệp, chủ trang trại cơ sở sản xuất. Chỉ các chủ thể này mới có thể tổ chức sản xuất nguyên liệu, bán thành phẩm hoặc thành phẩm theo một tiêu chuẩn cụ thể và đáp ứng các quy định về thiết lập và thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc. Trong đó, tương tự OCOP, HTX là chủ thể cần được ưu tiên khuyến khích. Nhưng khác với OCOP, rất cần thu hút doanh nghiệp lớn, đủ năng lực tổ chức hợp đồng liên kết với các chủ thể còn lại để tiêu thụ lượng lớn nguyên liệu hoặc bán thành phẩm, hướng dẫn các chủ thể khác thực hiện yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc từng công đoạn để đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc cho thành phẩm của mình.
VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ (Organic) là các tiêu chuẩn được sử dụng phổ biến cho nông sản sạch/an toàn. Nông dân ở Hội An đã sản xuất được rau có chứng nhận hữu cơ; rau, dưa hấu, gạo, gà và trứng gà được chứng nhận VietGAP (ở Thăng Bình, Phú Ninh, Tam Kỳ, Đại Lộc…). Tuy vậy, sản xuất kinh doanh có hiệu quả để duy trì và phát triển mở rộng các sản phẩm được Chứng nhận hữu cơ, VietGAP là không dễ dàng. Rau hữu cơ Thanh Đông (Hội An) dù bán giá cao nhưng không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX Rau hữu cơ & du lịch Thanh Đông đang có giải pháp mở rộng diện tích để tăng sản lượng. Trong khi đó, ngành nông nghiệp tỉnh đang tích cực hỗ trợ chứng nhận VietGAP, thực hiện thí điểm một số chuỗi giá trị nông sản an toàn nhưng đang rất khó khăn, có mô hình không thể duy trì, nguyên nhân chính là các chủ thể sản phẩm gặp khó trong tiêu thụ. Từ đó cho thấy có được những chủ thể đủ năng lực tổ chức sản xuất - tiêu thụ ổn định, có lợi cho người sản xuất là yếu tố quyết định việc duy trì và mở rộng các vùng sản xuất đạt chuẩn.
Không thể kỳ vọng phần lớn nông sản của tỉnh là sản phẩm đạt các tiêu chuẩn an toàn, có thể truy xuất nguồn gốc. Nhưng cần xây dựng đề án để thực hiện chương trình về nông sản an toàn đạt tiêu chuẩn chất lượng cụ thể và truy xuất nguồn gốc. Về lộ trình, trước hết, khẩn trương thực hiện với nhóm các nông sản đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc (dưa hấu, các mặt hàng thủy sản…); không để xảy ra tình trạng bị động, đối phó như với xuất khẩu dưa hấu của Quảng Nam và nhiều địa phương khác năm 2019 (dán tem QR-Code cho dưa hấu sai mã vùng sản xuất, mã đơn vị đóng gói, nếu để kéo dài tình trạng này có thể gây nhiều tác hại lớn). Các loại nông sản khác, theo nhu cầu thị trường và khả năng của mình, các chủ thể sẽ quyết định lựa chọn sản xuất kinh doanh sản phẩm nào. Hiện nay, nhìn ở nhu cầu về an toàn thực phẩm, nhóm các sản phẩm rau quả thực phẩm, heo, gia cầm nên được khuyến khích là lựa chọn ưu tiên.