Cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa đảm bảo phục vụ sản xuất giống lúa hàng hóa
(QNO) - Chiều 8.1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng lãnh đạo một số ngành liên quan có chuyến kiểm tra thực tế tình hình liên kết tổ chức sản xuất giống lúa tại 2 địa phương trọng điểm là Điện Bàn và Đại Lộc.
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, vụ đông xuân 2020 - 2021 này, các Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Điện Hồng 2, Điện Phước 1, Điện Thọ 1, Điện An 1, Điện Phước 2, Điện Thọ 2... liên kết với các doanh nghiệp tổ chức cho nông dân sản xuất hơn 583ha giống lúa thuần các loại theo phương thức hàng hóa tập trung trên những mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Còn tại huyện Đại Lộc, thông qua các HTXNN, đông xuân năm nay nông dân địa phương hợp tác với nhiều doanh nghiệp sản xuất 1.718ha giống lúa hàng hóa, trong đó có 1.483ha giống lúa thuần và 235ha giống lúa lai F1 (lúa lai 3 dòng 46ha, lúa lai 2 dòng 189ha).
Đại diện ngành nông nghiệp và một số HTXNN của 2 địa phương vừa nêu nhìn nhận, việc liên kết với các công ty tổ chức sản xuất giống lúa hàng hóa không chỉ giúp thu nhập của nông dân tăng hơn so với canh tác lúa thương phẩm mà còn ổn định về đầu ra vì các doanh nghiệp đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hạ tầng giao thông nội đồng, thủy lợi ở nhiều vùng chuyên canh lúa giống hàng hóa chưa đảm bảo để phục vụ sản xuất. Đặc biệt, hầu hết HTXNN đều thiếu vốn đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm các trang thiết bị máy móc. Do không có tài sản có giá trị lớn để thế chấp nên nhiều HTX không thể vay vốn từ các ngân hàng thương mại, trong khi đó việc tiếp cận những kênh vốn ưu đãi còn gặp nhiều khó khăn...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chia sẻ và ghi nhận những khó khăn của các HTXNN. Đồng thời đề nghị Sở NN&PTNT sớm tham mưu UBND tỉnh có hướng giải quyết phù hợp nhằm kịp thời giúp các HTXNN tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình sản xuất - kinh doanh nói chung và liên kết với doanh nghiệp tổ chức cho nông dân sản xuất giống lúa hàng hóa nói riêng...