Nỗ lực tạo đột phá cho nông nghiệp - nông thôn
(QNO) - Chiều nay 24.12, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm nông nghiệp 2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Quảng Nam có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng lãnh đạo các ngành liên quan.
Thắng lợi trong gian khó
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian qua Bộ NN&PTNT đã chủ động, tích cực, sáng tạo trong công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các bộ ngành, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt “mục tiêu kép” là vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính, trọng tâm là cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, sản phẩm. Đặc biệt, chú trọng công tác xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường để duy trì, mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực như gạo, gỗ, trái cây, thủy sản...
Tại Quảng Nam, năm 2020 tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt hơn 14.185 tỷ đồng, tăng 3,03% so với năm 2019. Tính đến giữa tháng 12 năm nay, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của 200 xã xây dựng nông thôn mới là 16,02 tiêu chí/xã, tăng 4,52 tiêu chí/xã so với năm 2015 và tăng 13,41 tiêu chí/xã so với năm 2010. Đến nay có 118 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, trong đó 109 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã còn lại đang thẩm định để xét công nhận.
Ông Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, năm 2020 cả nước tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; vận hành theo cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ mới là động lực chủ yếu tạo giá trị gia tăng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
“Năm nay, ngành nông nghiệp nước ta đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai và dịch bệnh chưa từng thấy. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực từ nhiều phía, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,75% so với năm 2019, trong đó nông nghiệp tăng 2,7%, lâm nghiệp tăng 2,4%, thủy sản tăng 3,3%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD; đến nay toàn quốc có 5.506 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ hơn 62%; năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng” - ông Cường nói.
Nhiều tồn tại
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những thành quả đạt được, lĩnh vực “tam nông” vẫn còn bộc lộ khá nhiều tồn tại, hạn chế. Theo đó, về nông nghiệp, quá trình phát triển vẫn có nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, nhất là ở khâu bảo quản và chế biến sâu chưa đáp ứng yêu cầu cao của thực tiễn, trong khi đó công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh và tổn thất sau thu hoạch còn cao.
Bên cạnh đó, liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao nhằm giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa trở thành phổ biến. Việc đổi mới hợp tác xã và phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị chưa mạnh mẽ. Tình trạng lạm dụng phân bón, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng lãng phí nước còn diễn ra, dẫn đến chi phí sản xuất cao, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường. Mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt nhưng việc tái đàn heo chủ yếu diễn ra ở các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tại khu vực hộ và trang trại nhỏ còn chậm, có thời điểm cung - cầu thịt heo mất cân đối.
Trong khi đó, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công nghiệp và dịch vụ phát triển chưa đủ mạnh để “hút” khu vực nông nghiệp chuyển dịch nhanh hơn. Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, y tế, giáo dục còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cạnh tranh quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn; các vấn đề phát triển sản xuất, thu nhập, hạ tầng cơ sở, nhất là tình trạng môi trường nông thôn chưa chuyển biến rõ nét.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp so với khu vực thành thị; thu nhập của nông dân chỉ bằng 78% mức bình quân cả nước, chênh lệch thu nhập giữa các hộ nông thôn có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn cao gấp 4 lần ở các thành thị, có nơi hơn 30%. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo bình quân chiếm 5,1% số hộ thoát nghèo.
“Lao động nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lao động xã hội nhưng chủ yếu làm thủ công nên năng suất chưa cao, đang là áp lực lớn trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân nông thôn” - ông Cường nói thêm.
Đồng bộ các giải pháp
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, chỉ tiêu cơ bản năm 2021 của ngành nông nghiệp là tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,7 - 3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 2,8 - 3,1%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt hơn 42 tỷ USD, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên cả nước hơn 70%...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nông nghiệp - nông thôn là trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong những thời điểm khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Thời gian tới, các ngành, các cấp phải nỗ lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp để tạo bước đột phá mạnh mẽ cho lĩnh vực này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất - kinh doanh, phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất. Bên cạnh ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, cần phải quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên lĩnh vực nông nghiệp; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất.
Các bộ ngành, địa phương phải triển khai đồng bộ các chính sách khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư công nghiệp chế biến công nghệ cao, nâng cao chất lượng và tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giảm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thô. Xây dựng, tổ chức thực hiện các quy trình sản xuất tiên tiến đối với từng loại sản phẩm, đảm bảo chất lượng, giảm tiêu hao vật tư, nguyên liệu và quản lý tốt an toàn thực phẩm.
Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh trong nông nghiệp; đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tích cực truyền thông quảng bá giới thiệu sản phẩm, địa chỉ bán nông sản an toàn; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các địa phương theo chuỗi liên kết. Siết chặt công tác quản lý chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, phân bón và các loại vật tư nông nghiệp.
“Giai đoạn 2021 - 2025, việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới phải theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả và đảm bảo tính bền vững. Trong đó, nhất thiết phải chú trọng công tác đào tạo nghề, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển mạnh các mô hình sản xuất nông - lâm - thủy sản theo phương thức hàng hóa và phát triển mới ngành nghề nông thôn để nâng cao nguồn thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống, nhất là tại những vùng khó khăn” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.