Nông dân Thăng Bình chuyển hướng nuôi bò lai
Qua 5 năm (2015 – 2020) thực hiện chương trình cải tạo đàn bò, với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nông dân huyện Thăng Bình đã mạnh dạn đầu tư để chuyển từ nuôi giống bò vàng địa phương qua nuôi các giống bò lai cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nhiều năm về trước, ông Dương Tỵ (thôn Lý Trường, xã Bình Phú) đã phát triển mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, nhưng chủ yếu là nuôi giống bò vàng, nhỏ con, thời gian nuôi lâu, lúc trưởng thành con đực nặng 250 - 280kg, hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi tìm hiểu về các giống bò lai, ông quyết định chuyển hướng sang nuôi bò lai 3B. “Nuôi vỗ béo bằng giống bò vàng và bò 3B thì thời gian nuôi tương đương nhau; nhưng trọng lượng bò 3B thì tăng gần gấp đôi nên hiệu quả kinh tế cũng cao gần gấp đôi” - ông Tỵ nói.
Cũng lựa chọn nuôi bò lai để phát triển kinh tế gia đình, nhưng bà Nguyễn Thị Lai (thôn Quý Mỹ, xã Bình Quý) không nuôi theo hướng vỗ béo mà nuôi bò cái sinh sản có tỷ lệ lai cao để phối giống bò 3B, sinh ra bê con để bán. Theo kinh nghiệm của bà Nguyễn Thị Lai, khi phối giống bò 3B vào bò cái mẹ có tỷ lệ lai cao, bê con ra đời to, khỏe hơn, nuôi nhanh lớn. Với giá thị trường hiện nay, khi bê con ra đời nuôi từ 3 đến 4 tháng là bán được khoảng 25 triệu đồng, cao hơn so với bò vàng.
Để khuyến khích các hộ chăn nuôi chuyển sang nuôi bò lai, nhiều địa phương ở huyện Thăng Bình đã vận dụng những chính sách của Nhà nước để hỗ trợ người dân. Ông Trần Quốc Bảo – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam cho biết, thông qua các chính sách hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, địa phương đều hỗ trợ bò giống lai sinh sản để các hộ có điều kiện phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. Thấy được hiệu quả từ chăn nuôi bò lai, hiện nay đa số hộ chăn nuôi xã Bình Định Nam đã chuyển từ nuôi bò vàng sang nuôi bò lai và đến nay tỷ lệ bò lai trên địa bàn xã lên đến 97% tổng đàn.
Từ nguồn kinh phí khuyến khích nông nghiệp theo Nghị quyết 02/2014/NQ-HĐND, ngày 25/7/2014 của HĐND huyện Thăng Bình về việc ban hành Đề án Phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện, giai đoạn 2014 - 2015 và đến năm 2020, huyện đã hỗ trợ 1.000 liều tinh bò 3B cho người chăn nuôi và 1.500 lít ni tơ lỏng... cho dẫn tinh viên thực hiện việc phối giống. Qua phối giống, tỷ lệ thụ thai đạt từ 70 - 75%, những bê lai được phối tinh bò 3B trên nền nái F1, F2 có trọng lượng sơ sinh 25 - 30kg/con, nuôi 1 năm trọng lượng đạt 350 - 400kg/con. Qua đó, góp phần đưa tổng đàn bò toàn huyện Thăng Bình lên 16.542 con, trong đó có 76% là bò lai, tăng gần 20% so với năm 2015.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, chương trình cải tạo đàn bò không những góp phần nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn bò tại huyện Thăng Bình mà còn giúp người nông dân tiếp cận với các giống bò lai siêu thịt và biết chế biến, bảo quản, cân đối dinh dưỡng thức ăn cho bò. Từ đó, người chăn nuôi dần thay đổi phương thức từ chăn nuôi quảng canh sang nuôi bán thâm canh và thâm canh, đồng thời làm nền tảng cho việc thực hiện chương trình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, để nâng cao chất lượng đàn bò lai trên địa bàn huyện trong thời gian đến.