Gỗ cao su chặt khúc làm củi
(QNO) - Sau khi liên tiếp xảy ra các cơn bão, nhiều cánh rừng cao su trên bàn huyện Hiệp Đức bị hư hại, ngã đổ không thể phục hồi. Gỗ cao su loại nhỏ không mang tiêu thụ được nên chất ngổn ngang giữa rừng.
Sau hơn 1 tháng xảy ra bão số 9 và bão số 10, chúng tôi trở lại Nông trường Cao su Hiệp Đức, qua địa bàn thị trấn Tân Bình và xã Sông Trà (huyện Hiệp Đức). Màu xanh ngút ngàn của cánh rừng cao su ngày nào bây giờ chỉ còn lại các khoảnh đồi trống, mà mặt đất ngổn ngang các khúc gỗ cao su và cành lá.
Hộ bà Phạm Thị Xuyên (thôn 2, xã Sông Trà) đầu tư trồng hơn 2 héc ta cây cao su tiểu điền từ đầu năm 2007. “Năm 2013 và cuối năm nay, vườn cao su của gia đình tôi bị nhiều trận bão gây đổ ngã, làm bứng gốc ít nhất 1 héc ta. Với cây đã lấy mủ, đường kính lớn, bán gỗ cho thương lái hơn 60 nghìn đồng; còn cây loại nhỏ chặt khúc làm củi, chưa kịp dọn đi” – bà Xuyên nói.
Theo người dân, với vườn cây kinh doanh do có chu kỳ trồng ít nhất 10 năm, bị đổ gãy, hư hại hoàn toàn có thể tận dụng cưa khúc bán gỗ cho các nhà máy chế biến gỗ cao su ở phía Nam; nhưng vườn cây ở giai đoạn kiến thiết có đường kính nhỏ thì không thể bán cho nhà máy mà phần lớn chặt bỏ làm củi.
Sau bão, những quả đồi thoai thoải ở thị trấn Tân Bình chằng chịt cây cối ngã nghiêng. Ở các vị trí có mặt bằng thuận lợi, Nông trường Cao su Hiệp Đức và người dân tranh thủ thu dẹp mặt bằng. Những đống củi cao su nằm tập trung, lẫn phân tán dọc ven đường, sau hơn 1 tháng vẫn chưa được vận chuyển ra ngoài. Người trồng cao su ở thị trấn Tân Bình cho biết, do các thương lái chỉ mua các cây gỗ to, vì thế gỗ nhỏ chặt khúc bỏ tứ tung ven đường, giữa rừng. Việc thu dọn hiện trường tốn khá nhiều thời gian và công sức.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam, tại Hiệp Đức, tổng diện tích vườn cây giai đoạn kinh doanh hơn 1.031 héc ta, thì thiệt hại với mức độ 20 - 50% là hơn 267 héc ta (chiếm gần 26%); thiệt hại nặng hơn 50% với diện tích 494 héc ta (chiếm 47,9%). Trong khi vườn cây kiến thiết cơ bản diện tích 343,2 héc ta, thiệt hại nặng hơn 50% chiếm hơn 60,5 héc ta. Diện tích cao su tiểu điền của người dân bị ngã từ 50% trở lên chiếm diện tích hơn 200 héc ta.
Theo thống kê, vườn cây cao su kinh doanh và vườn cây giai đoạn kiến thiết cơ bản ở các huyện Hiệp Đức, Phước Sơn, Bắc Trà My, Núi Thành, Nông Sơn và Thăng Bình thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam quản lý bị thiệt hại với mức độ 50% trở lên khoảng 1.173 héc ta. Hiện nay, các nông trường cao su và người dân tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai để sớm đưa vườn cao su kinh doanh vào khai thác trở lại; dọn dẹp cây gãy đổ, bứng gốc.
Tuy nhiên, việc tận dụng khai thác cây hư hại bán lấy gỗ với khối lượng không lớn. Bởi, theo Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam (nhà máy chế biến gỗ đặt tại xã Quế Bình, Hiệp Đức), thời điểm này trên địa bàn tỉnh không có nhà máy tiêu thụ, chế biến gỗ cao su, mà chủ yếu chế biến gỗ keo nguyên liệu. Trong khi các nhà máy ở Tây Nguyên, hay các tỉnh, thành phía Nam chỉ mua gỗ cao su có đường kính lớn.
Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức – ông Nguyễn Như Công thông tin, các cơn bão vừa qua gây thiệt hại nặng nề về lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là diện tích trồng cây cao su và keo nguyên liệu. “Địa phương kiến nghị UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng về cây trồng lâm nghiệp và cây công nghiệp cao su; đồng thời nghiên cứu chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp, hạn chế thấp nhất rủi ro do thiên tai” – ông Công mong muốn.
Với diện tích trồng cây cao su bị hư hại hoàn toàn do bão, hoặc sản xuất kém hiệu quả, chính quyền huyện Hiệp Đức cũng đề xuất giao lại cho địa phương quản lý, để có kế hoạch, phương án sử dụng đất sắp tới.