Nông nghiệp Quế Sơn chuyển biến tích cực
Năm 2020, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng ngành chức năng và chính quyền các địa phương của huyện Quế Sơn đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế.
Lúa được mùa toàn diện
Ông Huỳnh Văn Thân - cán bộ nông nghiệp thị trấn Hương An cho biết, điểm nổi bật trong sản xuất lúa của địa phương là việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được phần lớn nông dân ứng dụng hiệu quả. Các giống lúa mới cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng được đưa vào gieo sạ đại trà. Đặc biệt, nhiều mô hình cánh đồng mẫu canh tác theo các gói kỹ thuật tiên tiến như IPM, ICM... được nhân rộng giúp nhà nông nâng cao năng suất lúa và chất lượng gạo.
“Năm 2020, nông dân Hương An sản xuất hơn 426ha lúa, năng suất bình quân đạt 62,8 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha so với năm 2019 và sản lượng lúa đạt gần 2.700 tấn, tăng xấp xỉ 77 tấn so với năm ngoái. Đáng ghi nhận, thực hiện đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, trên địa bàn Hương An hiện có 17 máy cày và 9 máy gặt đập liên hợp. Từ đó, nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất lên gần 95% và khâu thu hoạch đạt 93%, góp phần giải phóng sức lao động cũng như tăng giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích” - ông Thân nói.
Ông Lưu Văn Thành - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho hay, năm 2020 nông dân 13 xã, thị trấn của huyện gieo sạ tổng cộng 6.623ha lúa. Ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền các địa phương phối hợp tổ chức 64 lớp tập huấn phổ biến về cơ cấu giống, lịch thời vụ và chuyển giao kỹ thuật thâm canh lúa cho 3.258 lượt người. Để đảm bảo cung ứng nước tưới cho cây trồng, đầu năm 2020 đến nay Quế Sơn huy động hơn 418 tỷ đồng (tăng hơn 4,3% so với năm 2019) đầu tư kiên cố hóa 39,3km kênh mương, xây mới và nâng cấp, sửa chữa 1 hồ chứa nước, 1 trạm bơm điện... Nhờ vậy, toàn huyện có thêm 200ha lúa chủ động nước tưới. Kết quả, năm 2020 Quế Sơn được mùa lúa toàn diện, năng suất lúa bình quân đạt 56,1 tạ/ha, tăng 1,25 tạ/ha so với năm 2019 và tăng 3,6 tạ/ha so với kế hoạch đề ra; tổng sản lượng lúa cả năm đạt gần 37.156 tấn.
Ông Thành cho biết thêm, năm 2020 Quế Sơn tiếp tục triển khai dự án WB7 về thực hành mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu trên diện tích 726ha lúa và 394ha hoa màu. Mô hình này đem lại giá trị kinh tế cao hơn từ 10 - 15% so với sản xuất theo tập quán cũ. Ngoài ra, các xã Quế Xuân 1, Quế Phú, Quế Hiệp còn liên kết với một số doanh nghiệp tổ chức sản xuất lúa giống hàng hóa và lúa thương phẩm chất lượng cao theo phương thức bao tiêu đầu ra sản phẩm với tổng diện tích 141ha, giúp thu nhập của nông dân tăng thêm khoảng 20 - 25% so với làm lúa thường.
Hỗ trợ phát triển chăn nuôi
Được các đơn vị của huyện Quế Sơn hỗ trợ 2 máy ấp trứng và 100 con gà mái, ông Lê Ngọc Trai ở thôn Xuân Quê (xã Quế Long) mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất và cung ứng gà con giống ra thị trường. Hiện nay, ông Trai nuôi 250 con gà mái đẻ, mỗi tháng xuất bán khoảng 400 - 500 gà con với mức giá bình quân 15 nghìn đồng/con. Ông Trai cho biết, giống gà ta vàng bán rất chạy, năm nay ông không đủ con giống cung cấp cho người chăn nuôi trong và ngoài địa phương. Ông Trai còn tận dụng khu vườn rộng thả nuôi hơn 1.000 con gà thịt, cho lãi ròng hàng năm khoảng 70 triệu đồng.
Để tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi, từ đầu năm 2020 đến nay huyện Quế Sơn đã hỗ trợ mua 3 con trâu đực giống và xây 20 hầm biogas, triển khai 6 mô hình đệm lót sinh học với kinh phí 147 triệu đồng. Cạnh đó, từ nguồn vốn phát triển sản xuất của chương trình nông thôn mới, ngành nông nghiệp huyện cùng UBND các xã Quế Mỹ, Quế Thuận, Quế Hiệp, Quế Minh, Quế An, Quế Phong, Quế Long hỗ trợ cho hơn 80 hộ dân đầu tư nuôi bò thịt thương phẩm 3B và bồ câu lai Pháp với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Kim Vân - chuyên viên Phòng NN&PTNT Quế Sơn cho hay, ngoài tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh, những hộ dân tham gia mô hình còn được hỗ trợ 50% chi phí mua con giống, thức ăn. Thời gian qua, một số xã cũng đã xây dựng dự án hỗ trợ bò giống, heo giống cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo từ nguồn vốn hơn 627 triệu đồng của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
Theo ông Lưu Văn Thành - Phó trưởng Phòng NN&PTNT Quế Sơn, nhờ sự hỗ trợ của nhà nước và đầu tư của người dân nên ngành chăn nuôi của huyện đang phục hồi, phát triển tốt. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có 12.315 con trâu và bò, 22.679 con heo, 513 nghìn con gia cầm các loại. Riêng đàn heo tăng 35,8% so với năm 2019. Đặc biệt, gần đây người dân địa phương nỗ lực phát triển chăn nuôi theo phương thức sản xuất hàng hóa, an toàn dịch bệnh đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Hiện nay, toàn huyện có 13 trang trại chăn nuôi quy mô lớn (gồm 12 trang trại heo, 1 trang trại gà) và 30 gia trại heo, 8 gia trại gà, 2 gia trại vịt, 1 gia trại chim cút.