Bàu Tròn khôi phục sản xuất

TRIÊU NHAN 08/12/2020 10:12

Sau các đợt bão lũ liên tiếp, nông dân vùng chuyên canh Bàu Tròn (thôn Phú Phước, xã Đại An, Đại Lộc) đã sớm bắt tay khắc phục hậu quả, khẩn trương xuống giống trở lại toàn bộ diện tích để đón đầu lứa rau quả vụ đông giá tốt trong năm.

Điểm bán cây giống rau củ quả ở chân cầu Quảng Huế, xã Đại An. Ảnh: TRIÊU NHAN
Điểm bán cây giống rau củ quả ở chân cầu Quảng Huế, xã Đại An. Ảnh: TRIÊU NHAN

Trước thiên tai, lũ lụt diễn biến khó lường, người dân Bàu Tròn nói riêng, Phú Phước nói chung đã chủ động tìm cách thích ứng với lũ lụt, thiên tai. Khi cơn lũ - được cho là cuối cùng theo nhận định kinh nghiệm dân gian - qua đi, nhiều nông dân ươn giống, cấy cây con vào trành tại nhà để kịp xuống giống trở lại các diện tích bị hư hại.

Vì vậy, khoảng một tháng sau thiên tai, lũ lụt, các diện tích cao ráo đã được khôi phục xong, những rãnh, luống rau quả trở nên thẳng tắp, mầm xanh đã kịp bao phủ. Nhiều thửa ruộng trồng mướp, khổ qua, đậu tây, dưa leo cũng đã cao bằng đầu gối, chuẩn bị bò choái. Những chân ruộng thấp do đất còn ẩm ướt nên công tác xuống giống trở lại có phần chậm hơn song cơ bản đã có khoảng 70% diện tích đã xuống giống xong.

Tại quán nhỏ bên chân cầu Quảng Huế, những trành giống cây cũng đã lên xanh để cung ứng giống cho người dân. Đu đủ con được bán với giá 15.000 đồng/cây (bầu), khổ qua nhà giá 4.000 đồng/bầu, khổ qua giống đại trà có giá 2.000 đồng/bầu, các loại cà pháo, cà tím, su hào, cà chua, mướp, bí đao, bí đỏ... có giá 2.000 đồng/bầu. Người dân Bàu Tròn và các vùng lân cận có tập quán tự ươn giống rau quả để phục vụ sản xuất, qua đó chủ động về nguồn giống, giảm chi phí sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Mười (thôn Phú Phước) chia sẻ, đợt bão số 9, số 13 và các đợt lũ liên tiếp khiến nhiều hộ trồng rau quả ở đây bị thiệt hại nặng nề. Ví như hộ ông Phan Trái trồng cả mẫu bắp nếp chuẩn bị bẻ bán đã bị gãy đổ, thêm nước lũ ngâm liên tiếp cũng hư hết, phải bỏ toàn bộ, ước tính thiệt hại vài chục triệu đồng, chủ yếu chi phí sản xuất, phân, giống, nhân công.

“Nhà tôi còn trồng 8 sào dưa leo, khổ qua, mướp, đậu tây cũng bị hư sạch, toàn bộ choái bị cuốn sạch, thiệt hại gần 20 triệu đồng. Cả tháng nay tôi xuống giống xong 8 sào đất, chủ yếu cũng vẫn là giống khổ qua, bí đao, mướp, đậu tây, dưa leo bán vụ đông và còn ít bán tết” - bà Mười nói.

Vợ chồng ông Phan Đình Hưng (thôn Phú Phước) đã xuống giống trở lại 5 sào mướp và trồng dặm liên tục những cây con bị côn trùng phá hoại. Vợ chồng ông Hưng cho biết, trái mướp hương ở vùng được ưa chuộng, sản phẩm an toàn, được sử dụng rộng rãi cho cả người ăn chay lẫn ăn mặn nên được thu mua đưa đi các nơi nhiều. Mỗi sào trồng mướp nếu giá ổn có thể cho thu nhập cả chục triệu đồng, lãi ròng đem về trong vụ đông lên tới vài ba chục triệu đồng.

Được biết, trước đây vùng này chủ yếu sản xuất rau quả bán tết nhưng thời tiết dịp này thuận lợi, rau củ không được giá. Vì vậy nông dân chấp nhận rủi ro sản xuất trái vụ, nếu không mưa to gió lớn thì có thêm nguồn thu nhập trang trải cuối năm.

TRIÊU NHAN