Tây Giang nỗ lực khôi phục sản xuất nông nghiệp
Khôi phục sản xuất nông nghiệp sau ảnh hưởng của mưa lũ do cơn bão số 9 gây ra đang được các cấp chính quyền ở huyện Tây Giang xem là nhiệm vụ cấp bách, nhằm sớm đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ cho người dân.
Khó khăn chồng chất
Bão lũ liên tiếp gây thiệt hại nặng nề về hạ tầng kinh tế - xã hội ở Tây Giang. Nhiều công trình giao thông, cầu cống, đập thủy lợi, nước sinh hoạt hư hỏng nặng. Đặc biệt là đất đá sạt lở, vùi lấp, cuốn trôi ở nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp của người dân. Việc khôi phục phát triển sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.
Theo số liệu từ Phòng NN&PTNT huyện Tây Giang, địa phương có 920ha lúa nước, 500ha lúa rẫy và hơn 1.500ha các loại cây trồng khác. Những đợt bão lũ liên tiếp vừa qua đã làm cuốn trôi, vùi lấp hơn 50% tổng diện tích. Nhiều cánh đồng lúa nước được khai hoang lâu nay ở A Xan, Ch’Ơm, Bhalêê, A Nông bị đất đá vùi lấp và bị lũ quét cuốn trôi còn trơ lại ghềnh đá. Anh Alăng Nhớt (thôn T’râm, xã A Xan) có khoảng 2ha lúa nước, bị vùi lấp gần hết. Anh chia sẻ: “Năm nay, vợ chồng mình làm đơn đăng ký thoát nghèo, mà chừ ruộng không còn, không biết tính răng đây?”.
Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết phần lớn diện tích ruộng lúa ở Tây Giang là dạng ruộng bậc thang, nằm sát chân núi và gần sông suối nên khi mưa lớn dễ bị sạt lở, vùi lấp và lũ quét, lũ ống cuốn trôi phù sa, khó có thể trồng trọt lại được. Lũ cũng cuốn trôi nhiều vườn cây ăn quả, đẳng sâm, ba kích của người dân. Hàng trăm cây ăn quả đến mùa cho trái bị trốc gốc, gãy cành, quả rụng đầy vườn. Nhiều héc ta sâm ba kích, đẳng sâm bị thối củ do ngâm nước lâu ngày.
Nỗ lực khôi phục sản xuất
Hiện nay, Tây Giang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để khôi phục sản xuất nông nghiệp. Theo ông Trần Văn Ta, việc khôi phục sản xuất nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn vì lượng đất vùi lấp quá lớn. Nhiều diện tích ruộng phải mất thời gian dài mới hoàn thổ được. “Vụ sản xuất đông - xuân tới có khả năng không thể triển khai như kế hoạch và nguy cơ thiếu đói giáp hạt có thể xảy ra” - ông Ta nói.
Ông Alăng Sanh - Phó Bí thư Đảng ủy xã A Xan cho biết, sau lũ, hầu hết ruộng đồng ở địa phương bị vùi lấp. Người dân mất nhiều công sức, thậm chí có người phải thuê cả máy ủi, máy xúc mới có thể dọn dẹp được. Người dân mong muốn cấp trên xem xét hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản... để khôi phục sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ thuốc, vật tư xử lý môi trường và phòng chống các loại bệnh dịch sau mưa lũ. Cùng với đó, người dân mong muốn các chi nhánh ngân hàng tạo điều kiện giúp đỡ để họ được tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư khôi phục sản xuất.
Trước những khó khăn trên, UBND huyện Tây Giang đã tổ chức nhiều cuộc họp để tìm giải pháp khôi phục sản xuất sau bão lũ. Ông Ngô Văn Luận - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện cho biết, trước mắt, địa phương sẽ cấp hơn 15,6 tấn lúa giống HN6 thuần chủng, 800kg bắp giống, 549kg hạt giống rau (cải bẹ, rau muống, dền, đậu cô ve, bắp cải, bắp su…) và 800kg phân bón cho người dân.
Chống rét cho đàn gia súc
Cùng với trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cùng được chính quyền và ngành chức năng huyện Tây Giang chú trọng, nhất là công tác tuyên truyền, vận động người dân chống rét cho đàn gia súc.
Ở Tây Giang, xã Dang là địa phương có số lượng đàn trâu, bò nhiều nhất của huyện với hơn 1.120 con. Ông Phạm Sáu - Phó Chủ tịch UBND xã Dang cho biết, đợt mưa bão vừa qua đã làm ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng đàn gia súc tại địa phương. Trên địa bàn xã đã xảy ra tình trạng trâu bò chết do lũ cuốn trôi và đói rét. Trong khi đó, một số hộ dân vẫn còn thói quen chăn trâu bò theo kiểu thả rông. Khi nhiệt độ xuống thấp, những hộ này chưa chủ động sớm làm chuồng trại, chưa biết cách ủ ấm và dự trữ thức ăn cho trâu bò. Do đó chính quyền địa phương phải bám sát cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể cho người dân các bước phòng tránh rét cho đàn gia súc.
Còn tại xã Ch’Ơm, ông Bríu Hồ - Chủ tịch UBND xã cho biết, trên địa bàn hiện có 652 con gia súc, đa số được chăn thả ở 8 khu chăn nuôi tập trung. Để phòng chống rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, xã đã cử cán bộ xuống tận thôn tuyên truyền vận động người dân làm chuồng trại để có chỗ cho trâu bò trú ở, tuyệt đối không được thả rông ngoài rừng nhiều ngày. Ngoài ra, xã đã cử dân quân, thanh niên xuống tận thôn giúp dân làm chuồng trại, trồng cỏ để có nguồn thức ăn dự trữ.
Ông Ngô Văn Luận - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện cho biết, toàn huyện có 2.472 con gia súc; trong đó có 128 con trâu, 1.683 con bò, 564 con heo và 97 con dê. Đa số đàn gia súc này được chăn thả tập trung ở 120 khu trang trại. Nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thời tiết gây ra đối với đàn vật nuôi, UBND huyện Tây Giang đã ban hành công điện chỉ đạo 10 xã tăng cường các biện pháp phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là đối với đàn trâu bò.
"Sau bão lũ, công tác khắc phục và tái thiết sản xuất để ổn định đời sống cho người dân là vô cùng quan trọng. Trước mắt, chúng tôi hướng dẫn người dân khôi phục vụ sản xuất đông - xuân, trong đó tập trung chăn nuôi gia cầm, tăng cường sản xuất rau màu vì chu kỳ sản xuất ngắn có thể tạo sản phẩm nhanh, phục vụ đời sống nhân dân” - ông Luận nói.