Bao giờ trở lại màu xanh?
(QNO) - Cơn bão số 9 đi qua nhưng hậu quả để lại hết sức nặng nề, gây thiệt hại lớn cho các nhà vườn, làng quê sinh thái ở Đại Lộc, Nông Sơn. Sau bão lũ, công tác khôi phục khó khăn trăm bề...
Nhà vườn thiệt hại nặng
Tại nhà vườn Hồ Lộc (xã Đại Minh, Đại Lộc) vài tháng trước còn mang màu xanh trù phú với hàng chục loại cây trái trĩu quả. Thế nhưng, sau bão số 9, khu vườn trở nên tan hoang, xơ xác, cây ăn quả đã 5 năm tuổi bật gốc nằm ngổn ngang. Nhiều gốc ổi, vú sữa, mít, chanh, bưởi da xanh, bưởi năm roi đã trồng 5 năm đang cho trái trĩu cành bị bão quật ngã chỏng chơ, trái lớn, trái nhỏ rụng tả tơi khắp vườn.
Chị Hồ Thị Lộc (thành viên Hợp tác xã Hồ Lộc) chia sẻ: “Công sức, mồ hôi đổ xuống vườn đã quá nhiều, tất cả vốn liếng, tiền mượn, nhiều thành viên hợp tác xã phải cầm sổ đỏ vay để đầu tư. Tiền thu được đem tái đầu tư, chưa thấy dư dả đồng nào. Chừ thiên tai, cả bão và lũ lại làm hư hại hết, không cách gì khắc phục lại nổi”.
Theo anh Nguyễn Tổng, kỹ thuật tại vườn, tính sơ 2 đợt dịch, nhà vườn đã thiệt hại 60% doanh thu, rồi tới cả tháng trời với mưa, lũ lụt, rồi tới bão, thiệt hại nặng. "Sức người dù có bền bỉ tới mấy nhưng thiên tai vừa bão vừa lũ ập tới suốt cả tháng trời thì chịu. Hơn nghìn cây lớn bị gãy đổ, bật gốc, chỉ có thể cứu vãn được chỉ chừng trăm cây, con số quá nhỏ" - anh Tổng nói.
Tại Nông Sơn, nhiều vườn bưởi trụ, hường, cam xã Quế Trung sau bão lũ cũng hư hại, gãy đổ khiến các chủ vườn ngao ngán. Bà Trần Thị Bảy (thôn Trung An, Quế Trung) cho biết, gia đình bà trồng cả trăm gốc bưởi trụ, hường, quýt, mít trên diện tích gần 1ha . Sau bão, mấy chục cây gãy, ngã đổ hoàn toàn, số ít bị trốc gốc lộ cả rễ. Cũng tại xã Quế Trung, ông Tạ Hồng Hoàng (thôn Trung Phước 2) trồng khoảng 3.000m2 các loại đu đủ, bưởi, chuối nuôi cấy mô, mít. Qua các đợt lụt, mít chết toàn bộ, số còn lại bị bão số 9 làm ngã đổ hết khiến cả vườn tan hoang, thiệt hại 100%...
Tan hoang làng quê sinh thái
Tại làng quê sinh thái Thái Chấn Sơn (Đại Hưng, Đại Lộc), lũ lụt và bão số 9 đã cướp đi màu xanh trù phú nơi đây. Nếu các đợt lũ liên tiếp hồi đầu tháng 10.2020 đã khiến 5ha cây ăn quả của hàng chục hộ dân bị hư hại, chết héo hoàn toàn thì cơn bão số 9 tiếp tục khiến phần lớn diện tích còn lại bị gãy đổ, hư hại, các loại trái cây như mít, ổi, bưởi rụng nằm la liệt.
Chị Trương Thị Nhơn, một chủ vườn ở Thái Chấn Sơn cho biết, 6 cơn lũ liên tiếp, vườn chị chết cả trăm gốc rồi, chừ thêm trận cuồng phong thì hàng chục cây to trồng lâu năm cũng gãy đổ. Vụ trái cây tết coi như mất trắng. "Cây bị nặng thì gãy ngang, bật gốc, còn nhẹ thì trái đổ la liệt, gãy cành, nhánh và không biết khi nào mới phục hồi được. Chúng tôi sống nhờ vào vườn cây, chừ hư hết lấy gì trang trải đời sống" - chị Nhơn nói.
Tại làng cũ Phương Trung (xã Đại Quang, Đại Lộc),các đợt lũ đi qua khiến toàn bộ diện tích mít Thái da xanh trên địa bàn chết hàng loạt do bị úng thủy, thối rễ.Như hai mảnh vườn của bà Từ Thị Lý với cả trăm gốc dừa, mít, vú sữa có hàng chục cây lâu năm bị bật gốc. Sau bão, ai nấy ra sức cứu cây nhưng hiệu quả tới đâu thì chưa ai trả lời được. Tre, cau, dừa là "lá chắn xanh" giúp Phương Trung chống chịu với bão lũ, cũng bị bão quăng quật, gãy đổ.
Ông Trần Văn Sơn - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phương Trung chia sẻ: "Sau mấy trận lũ, làng xuất hiện điểm sạt lở đất và phải chờ ổn định trở lại mới có thể khắc phục. Vùng cây ăn quả của làng gần chục héc ta, bà con mới gầy dựng trong vòng 5 - 7 năm trở lại, đang rất có triển vọng. Thế nhưng, do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ, nhiều vườn cây bị chết, ngã đổ nên thiệt hại về kinh tế toàn thôn rất nặng".
Những làng quê du lịch sinh thái này không biết bao giờ mới trở lại màu xanh.