Vùng trồng cây ăn quả tiêu điều sau lũ

HOÀNG LIÊN 27/10/2020 21:43

Sau lũ, nhiều diện tích vườn trái cây ở làng Thái Chấn Sơn (xã Đại Hưng, Đại Lộc) bị héo rũ, chết trụi do ngập úng dài ngày.

Vườn cây ăn quả của chị Trương Thị Nhơn (thôn Thái Chấn Sơn, Đại Hưng) bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Vườn cây ăn quả của chị Trương Thị Nhơn (thôn Thái Chấn Sơn, Đại Hưng) bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Cây ăn quả chết hàng loạt

Từ 8.10 tới 19.10, có 5 trận lũ liên tiếp quét qua Thái Chấn Sơn (được sáp nhập từ thôn Thái Sơn và Chấn Sơn, Đại Hưng). Lũ về trong đêm với mực nước lớn nhanh khiến người dân không kịp trở tay. Lũ cuốn phăng nhiều diện tích rau quả, cây màu, bắp nếp đến kỳ thu hoạch, cuốn trôi nhiều đàn heo, gà. Khi nước bắt đầu rút, những vườn cây ăn quả thấp trũng, sát sông Con của thôn bắt đầu héo úa, vàng lá rồi chết trụi dù bà con đã nỗ lực cứu vãn.

Vợ chồng ông Đinh Kim Huê rầu lòng dội bùn non cho khu vườn, gom hết những xác cây đu đủ lại. Ngoài 3 sào bắp nếp ngọt, chừng nửa sào đậu đũa, dưa leo đã cho quả, ông còn thiệt hại đàn gà 40-50 con gà mái, chết 15 cây đu đủ, 15 cây mít đã cho quả. “Đây là lần đầu tiên bà con chứng kiến lũ lụt kinh khủng và 5 cây lũ lên xuống liên tiếp chỉ trong 10 ngày. Với sức ngâm đó không cây gì chịu được cả” - ông Huê nói.

Nhưng thiệt hại của gia đình ông Huê cũng chưa là gì so với bà con trong thôn. Cách đó không xa, vợ chồng chị Trương Thị Nhơn cũng ra sức tưới dội bùn non, cứu vãn mảnh vườn với 4 sào cây mới trồng được 1,5 năm tuổi, 4 sào còn lại là bưởi da xanh, bưởi trụ, mít Thái đã trồng lâu năm.

Chị Nhơn nhẩm tính, riêng 4 sào cây ăn quả mới trồng, số chết và bị hư hại hết 70% do bị ngập úng. Dẫn chúng tôi đi một lượt khu vườn bưởi trụ, bưởi da xanh, mít Thái trồng từ 3-5 năm cho tới 7-8 năm nhiều cây cũng bị héo lá, vàng rực, chết rũ.

“Sau khi nước rút, chúng tôi đã chạy đôn chạy đáo mua thuốc để chữa trị cho cây, cứu được cây nào đỡ cây đó nhưng không ăn thua, cây vẫn cứ chết và mỗi ngày chết càng nhiều phải nhổ bỏ, làm củi. Tôi đếm cả thảy cũng phải hơn 150 cây bưởi da xanh, mít Thái, ổi chết và hư hại mà vẫn còn lũ, còn bão thì không biết ra răng” - chị Nhơn xót xa.

Mong được hỗ trợ giống

Ngoài vườn chị Nhơn, ông Huê, vườn ông Đỗ Huy Lân bị thiệt hại hoàn toàn 4 sào, vườn ông Trần Đắc Hân 4 sào, vườn ông Trương Công Chánh, Nguyễn Cương bị hư hại cả trăm gốc, ông Trà Quang Đạo, Nguyễn Sáu hàng chục cây bị chết. Số hộ có từ 10 cây bị chết thì khá nhiều, chủ yếu ở vùng dưới, chân đất thấp.

“Các năm trước nước vào rồi lại ra, dọn dẹp, dội bùn non, chăm sóc sửa soạn lại thì cây không chết. Năm nay không ai nghĩ lũ lụt tàn phá khủng khiếp rứa” - bà Nguyễn Thị Trí nói.

Tại Thái Chấn Sơn, phong trào cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả được địa phương hết sức chú trọng, người dân hưởng ứng mạnh mẽ và có hiệu quả. Tuy nhiên, đợt lũ xảy ra liên tiếp đầu tháng 10 gây thiệt hại khá nặng. “Chúng tôi mong Nhà nước, các tổ chức xã hội có sự quan tâm, hỗ trợ người dân cây giống để trồng lại” - chị Trương Thị Nhơn kiến nghị.

Theo ông Nguyễn Văn Nhanh - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Thái Chấn Sơn, sau lũ, diện tích cây héo úa và chết dần rất nhiều, ước tính hư hại 5ha, bao gồm cả diện tích cây mới trồng và lâu năm, đang cho quả. Đây cũng là những diện tích cây trồng được Nhà nước hỗ trợ, cấp giống giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Từ số cây đã cấp, bà con trồng và chăm sóc hơn 2 năm và nhiều mảnh vườn cây lâu năm, công sức bà con bỏ ra rất nhiều.

“Chúng tôi cũng đã báo cáo lên xã, Phòng NN-PTNT huyện để Nhà nước, xã hội quan tâm, hỗ trợ lại các loại cây giống phù hợp, nhất là các loại cây ăn quả chịu ngập úng” - ông Nhanh nói.

HOÀNG LIÊN