Nuôi gà theo mô hình khép kín
Mô hình chăn nuôi gà phòng lạnh liên kết với Chi nhánh Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Quảng Nam của bà Hồ Thị Liên (xã Tam Xuân 1, Núi Thành) là hướng đi mới mang lại hiệu quả bước đầu.
Trên diện tích hơn 1ha đất ao lầy tại thôn Bích An (Tam Xuân 1), bà Hồ Thị Liên cải tạo thành khu đất cao ráo, xây dựng khu chăn nuôi gà công nghiệp quy mô lớn. Trên cơ sở liên kết với Chi nhánh Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Quảng Nam, bà Liên được công ty cung ứng toàn bộ nguồn giống gà chuẩn, toàn bộ thức ăn cho gà và các vật dụng chăn nuôi trong suốt quá trình nuôi.
Phía công ty còn cử cán bộ bám trụ, tư vấn, hỗ trợ trang trại khâu lựa chọn thiết bị, công nghệ theo hướng hiện đại, vận hành theo mô hình khép kín. Đến nay, bà Liên đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng vào đất đai, xây 3 dãy chuồng nuôi bê tông kiên cố. Mỗi dãy chuồng được bố trí hệ thống làm mát lớn ở đầu dãy, mỗi phòng lớn nuôi gà đều trang bị hệ thống máy làm mát vận hành 24/24h, hệ thống lọc không khí, khử mùi hôi chuồng trại. Để chuồng trại được sạch sẽ, khô thoáng, nền chuồng ở mỗi phòng đều áp dụng đệm lót sinh thái, lượng phân gà được xử lý men vi sinh giúp khử mùi hôi, giảm phát sinh nhiều chất thải.
Mỗi năm, trang trại nuôi 3 lứa gà thịt, mỗi lứa có tổng đàn hơn 50.000 con giống, từ thời điểm thả nuôi tới xuất bán là 4 tháng. Với 3 lứa nuôi, trang trại xuất xưởng hàng trăm tấn thịt gà, lãi ròng mỗi lứa nuôi hơn 200 triệu đồng.
"Với mô hình này, tôi thấy nông dân chăn nuôi rất khỏe, được công ty hỗ trợ, hướng dẫn về mặt thiết kế khung chuồng nuôi, tư vấn lựa chọn trang thiết bị, máy móc, tập huấn kỹ thuật nuôi rất kỹ. Kỹ sư của công ty thường xuyên bám trại, giám sát quá trình nuôi, kịp thời phát hiện và xử lý dịch bệnh nên rất an tâm. Thức ăn cho gà đều do công ty cung ứng và hộ chăn nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, không đưa thức ăn bên ngoài vào trang trại. Đầu ra đảm bảo thì không đáng lo nữa" - bà Liên nói.
Ưu điểm của mô hình chuồng nuôi khép kín là giảm thiểu số lao động làm việc tại trang trại từ 5 - 10 lao động, thường xuyên bám trụ còn 2 nhân công. Việc của 2 nhân công là thường xuyên thăm trại, điều chỉnh các thông số cảm biến cho phù hợp với thời tiết, nhiệt độ bên ngoài, trực ở 2 dãy chuồng, đề phòng khi có sự cố cúp điện đột ngột, kịp thời chạy máy nổ phát điện. Đáng chú ý, dù trang trại của bà Liên chăn nuôi với tổng đàn lớn nhưng không có mùi hôi như các trang trại nuôi kiểu truyền thống, xung quanh chuồng trại cũng không phát sinh ruồi nhặng, chất thải chăn nuôi. Do có sự hậu thuẫn của công nghệ nên trang trại phải vận hành chính xác, làm đúng quy trình chăn nuôi do công ty đưa ra và cam kết làm theo hợp đồng liên kết giữa hai bên. Có thể thấy, mô hình này đáp ứng tiêu chí về môi trường, đầu ra ổn định, tiết kiệm nhân công..., góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.