Khẩn trương kiểm soát dịch lở mồm long móng ở Đại Lộc
(QNO) - Ngày 15.10, UBND tỉnh ban hành Công điện khẩn số 80/CĐ-UBND về tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, dịch LMLM đã xảy ra ở các xã Đại Cường, Đại Hồng (Đại Lộc) từ ngày 25.9 đến nay, làm mắc bệnh 4 con trâu và 184 con bò (trong đó chết 1 con trâu, 32 con bò). Tình hình dịch trên địa bàn Đại Lộc, đặc biệt tại xã Đại Hồng đang diễn biến rất phức tạp. Nguy cơ rất cao dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan sang các địa phương khác.
Để khẩn trương kiểm soát dịch, công điện yêu cầu huyện Đại Lộc tập trung nguồn lực để chỉ đạo, tổ chức thực hiện ngay các biện pháp phòng chống, khống chế. Trong đó, trực tiếp quán triệt chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị của huyện vào cuộc, chấn chỉnh và tổ chức thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh LMLM.
Đối với xã, thị trấn đang có dịch, huy động toàn bộ cán bộ chuyên môn chăn nuôi - thú y của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện, trưởng trạm thú y các xã, thị trấn thuộc vùng đệm tăng cường cho xã có dịch trực tiếp tiêm phòng vắc xin khẩn cấp chống dịch, bao vây ổ dịch và chủ động xử lý những trường hợp phản ứng sau tiêm phòng vắc xin. Tỷ lệ tiêm phòng bảo đảm đạt 100% số gia súc thuộc diện tiêm tại xã có dịch. Việc tổ chức tiêm phòng khẩn cấp, bao vây ổ dịch phải được thực hiện khẩn trương, trong thời gian sớm nhất có thể.
UBND cấp xã huy động lực lượng phối hợp với từng thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật cấp huyện, xã đứng điểm chỉ đạo chống dịch đến từng thôn/khu tổ chức thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Tiêu hủy gia súc mắc bệnh chết, lưu ý tránh những vùng trũng thấp, ngập nước. Quản lý, kiểm soát vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra khỏi vùng dịch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đối với xã, thị trấn chưa có bệnh LMLM, cần khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc xin đảm bảo đạt tỷ lệ ít nhất 80% tổng đàn gia súc tại các xã giáp ranh với xã có dịch. Lưu ý tiêm đủ liều vắc xin đối với gia súc mới tiêm lần đầu để đảm bảo phòng bệnh (kể cả gia súc trong vòng 6 tháng trước đây chưa tiêm vắc xin phòng bệnh LMLM). Định kỳ hằng tuần vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các khu vực có nguy cơ.
Tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các loa, đài của huyện, xã, thôn. Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động áp dụng biện pháp phòng bệnh LMLM bằng vắc xin là chính; tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi bằng vôi bột; giám sát phát hiện và báo cáo kịp thời khi phát hiện gia súc có biểu hiện bệnh...