Phát triển nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi: Cần trợ sức nông dân
Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị được xem là xu hướng tất yếu hiện nay. Để mô hình này mang lại thành công lớn, nông dân cần sự trợ sức từ nhiều phía.
Bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Cần giải pháp căn cơ để tạo “cú hích mạnh”
Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi phát triển mạnh mẽ tại khắp địa phương của tỉnh. Để hỗ trợ nhà nông, các cấp hội nông dân (HND) đã nỗ lực triển khai nhiều phần việc. Giai đoạn 2015 - 2020, các cấp hội phối hợp với ngành liên quan tổ chức 1.167 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt - chăn nuôi và 100 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh cho hàng chục nghìn lượt hội viên, nông dân. Trung tâm Dạy nghề & hỗ trợ nông dân trực thuộc HND tỉnh ký kết hợp đồng với các công ty phân bón cung cấp cho nông dân hơn 19.618 tấn phân các loại theo phương thức trả chậm. Đồng thời trực tiếp đào tạo nghề cho 10.489 lao động và phối hợp đào tạo nghề cho 17.597 lao động. Nhằm giúp nông dân có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh, thời gian qua các cấp hội hỗ trợ nhiều kênh vốn ưu đãi. Tính đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh là hơn 101 tỷ đồng. Hiện HND tỉnh đang quản lý 128 dự án với số vốn gần 65,8 tỷ đồng, cho 1.312 hộ vay và HND cấp huyện đang quản lý với dư nợ xấp xỉ 27,4 tỷ đồng, cho 2.201 hộ vay. Cùng với đó, dư nợ vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 1.543 tỷ đồng với 42.892 hộ vay và dư nợ từ Ngân hàng NN&PTNT là gần 723 tỷ đồng với 9.447 hộ vay.
Phải thừa nhận rằng, thời gian qua sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ nên thiếu các loại sản phẩm hàng hóa lớn có sức cạnh tranh mạnh. Đặc biệt, do thiếu thông tin định hướng thị trường và việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp còn hạn chế khiến nhà nông gặp khó trong tiêu thụ nông sản. Hội chợ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp lần thứ II năm 2020 do HND tỉnh tổ chức trong tuần này là một trong những hoạt động thiết thực hỗ trợ nông dân. Tham gia hội chợ có gần 100 gian hàng với hơn 500 sản phẩm các loại được trưng bày. Trong đó, rất nhiều sản phẩm đã có thương hiệu hoặc đã đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh như sâm Ngọc Linh, hạt tiêu, thanh trà, lòn bon Tiên Phước, bưởi trụ Đại Bình, nước mắm Cửa Khe, dầu phụng Đất Quảng, phở sắn Quế Sơn, gỗ mỹ nghệ... Qua đó tạo cơ hội kết nối giao thương giữa doanh nghiệp với hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), chủ trang trại, hộ nông dân; thúc đẩy cơ hội kích cầu, đầu tư, liên kết, xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo tôi, để tạo “cú hích mạnh” cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa, rất cần những giải pháp căn cơ. Trước hết, các địa phương nên rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất nông nghiệp đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế nhằm phát huy thế mạnh từng vùng. Bên cạnh việc tiếp tục dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, cải tạo vườn tạp thì ngành liên quan cùng chính quyền các cấp cần ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng... Từ đó giúp nông dân hình thành những cánh đồng mẫu, vùng chuyên canh tập trung để tổ chức sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm chất lượng cao, các loại cây trồng cạn và cây ăn quả với quy mô lớn theo phương thức hàng hóa. Muốn sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị mang lại thành công lớn, đòi hỏi phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa “4 nhà”: nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp. Thời gian tới, HND các cấp sẽ nỗ lực phối hợp với các cấp, ngành tập trung thực hiện công tác này nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Hằng năm, HND cấp huyện và cấp tỉnh sẽ cố gắng tổ chức các hội chợ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp với quy mô khác nhau nhằm giúp các HTX, THT, nông dân quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ...
Ông Lò Trung Kiên - Trưởng cơ quan đại diện Trung ương HND Việt Nam khu vực miền Trung & Tây Nguyên: Tập trung phát huy tiềm năng ở miền núi
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 và Chính phủ đã ra Nghị quyết số 12 về chăm lo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với vùng cao. Hy vọng rằng, với những chủ trương này, đồng bào DTTS cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng sẽ tranh thủ sự ủng hộ từ Nhà nước, hệ thống Trung ương để căn cứ vào đó hưởng thụ những chính sách tốt nhất, đem lại sự phát triển mạnh và bền vững. Đáng chú ý, các loại cây dược liệu chủ lực, đặc biệt là sâm Ngọc Linh của vùng núi Quảng Nam đã và đang có hướng phát triển tốt. Cần lựa chọn nông sản đặc sản thế mạnh, đặc biệt ở các địa phương miền núi để xây dựng chiến lược, kế hoạch, lộ trình cụ thể, phát huy lợi thế trên địa bàn để thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra những sản phẩm hàng hóa mà thị trường cần của từng địa phương. Theo tôi, đây là điều mà các địa phương miền núi của Quảng Nam đang có bước đi khá.
Để nông nghiệp vùng DTTS và miền núi đạt hiệu quả cần có nhiều giải pháp, trong đó nên chú trọng nâng hàm lượng khoa học trong sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất, giải quyết đầu ra. Tăng cường hướng dẫn đồng bào ứng dụng khoa học vào sản xuất, đào tạo nghề giải quyết việc làm, đẩy mạnh việc đưa thông tin kinh tế - xã hội về với đồng bào. Ngoài ra, với vùng đồng bào DTTS và miền núi, cần đẩy mạnh hoạt động của HTX. Việc tổ chức sản xuất theo mô hình THT, HTX sẽ có khả năng tập trung ruộng đất, đủ số lượng và chất lượng sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, cạnh tranh trên thị trường. Song song với câu chuyện thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông dân trên địa bàn vùng núi, thì chính vai trò của THT, HTX sẽ giúp kết nối người dân và tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa có dấu ấn với thị trường...
Ông Phạm Ngọc Thành (Thôn Hòa Thạch, Xã Đại Quang, Huyện Đại Lộc) - nông dân sản xuất & kinh doanh giỏi cấp Trung ương: Nông dân cần hỗ trợ nhiều hơn nữa
Gặp khá nhiều khó khăn khi bắt đầu sự nghiệp, thiếu vốn đầu tư lẫn kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, xuất phát điểm của tôi cũng giống như rất nhiều nông dân khác, chỉ có vài sào ruộng, mấy con heo thịt. Với suy nghĩ phải tìm cách bứt phá, tôi bắt đầu tìm tòi, đi tham quan các mô hình ở trong và ngoài tỉnh khi có cơ hội và mạnh dạn đầu tư. Những lần đầu, tôi thất bại vì heo, gà bị dịch bệnh liên tục bởi chưa có kinh nghiệm lẫn bất kỳ biện pháp kỹ thuật nào. Nhưng xác định nếu bỏ là mất tất cả, tôi quyết tâm làm lại từ đầu, tìm hiểu kỹ hơn về quy trình, biện pháp chăm sóc, phòng ngừa bệnh, rút ra bài học cho riêng mình.
Thời gian qua, tôi đầu tư 3 khu chăn nuôi heo thịt, mỗi lứa có 2.300 con, lãi ròng hằng năm 1,5 tỷ đồng và 1 trang trại nuôi gà lấy trứng với tổng đàn 8.000 con/lứa, lãi ròng 1,2 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, tôi còn trồng 35ha rừng nguyên liệu, sau 5 năm thu hoạch lãi ròng 1,75 tỷ đồng. Mô hình kinh tế này giải quyết việc làm cho 50 lao động địa phương. Theo tôi, điều quan trọng hàng đầu trong bối cảnh hiện nay là người nông dân phải quyết tâm, tích cực học hỏi và mạnh dạn trong đầu tư. Lấy ví dụ, một gia đình với 2 lao động, nuôi bình quân 2.000 con gà đẻ trứng, thu nhập từ tiền công nhật cho mỗi người đã 6 triệu đồng/tháng, cộng thêm tiền lãi 5 triệu đồng nữa là có 11 triệu đồng/người/tháng, khá ổn định so với các ngành nghề khác. Mối lo nhất là dịch bệnh thì có thể ký kết với các đơn vị cung ứng thức ăn, vật tư chăn nuôi để họ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, tư vấn kinh nghiệm chăm sóc.
Tôi cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là đất đai để làm trang trại ngày càng thu hẹp, phải mua, thuê mướn, chi phí rất cao. Trước đây, 1ha đất sản xuất nếu thuê trong vòng vài năm chỉ tốn chừng 70 - 80 triệu đồng thì nay tăng lên gấp 3 - 4 lần. Đặc biệt, thủ tục Nhà nước cấp phép để làm trang trại chăn nuôi rất phức tạp. Tôi làm trang trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp, xin giấy phép từ hơn một năm rưỡi nay, với rất nhiều thủ tục lên xuống rườm rà. Nếu cơ chế thông thoáng hơn, hoặc có cán bộ chuyên trách vững vàng chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn, giúp đỡ cặn kẽ sẽ thuận lợi hơn cho người nông dân.
Thêm một cái khó nữa là vốn đầu tư. Cũng với ví dụ nuôi 2.000 con gà đẻ trứng, nếu tính chi phí chuồng trại, đất đai bình quân đã tiêu tốn khoảng 300 triệu đồng. Chi phí chăm sóc cho mỗi con gà đến chu kỳ xuất chuồng (khoảng 4 - 5 tháng) bình quân 115 nghìn đồng, nhân lên là một con số khá lớn nữa. Trong khi đó, vốn vay mà nông dân dễ tiếp cận được thường chỉ ở mức vài ba chục triệu đồng. Nếu có sự hỗ trợ nguồn vốn đầu tư ít nhất khoảng 50%, người nông dân sẽ có điều kiện xoay trở tốt hơn rất nhiều.