Làm giàu từ hai bàn tay trắng

VINH ANH 07/10/2020 22:37

(QNO) - Sau nhiều lần thất bại tưởng chừng phải trắng tay, lão nông Phạm Ngọc Thành (thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc) với ý chí mạnh mẽ đã vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương nhờ sự cần cù, chịu khó và mạnh dạn trong lao động, sản xuất kinh doanh.

Ông Phạm Ngọc Thành. Ảnh: CTV
Ông Phạm Ngọc Thành. Ảnh: CTV

Ít vốn liếng, kinh nghiệm làm ăn nên ông Thành chịu khó đi nhiều nơi để học hỏi những mô hình nông nghiệp tiên tiến về cải tạo lại quy trình canh tác, chăn nuôi của mình. Khi đủ kiến thức, kinh nghiệm, ông mạnh dạn đầu tư thêm vốn thuê nhân công, thuê đất mở rộng quy mô sản xuất, thuê đất rừng để trồng cây keo nguyên liệu… 

Hiện nay ông có rừng keo nguyên liệu 35ha, chủ yếu là cây keo lai, trung bình 5 năm cho “lãi ròng” khoảng 1,7 tỷ đồng. Ngoài ra, ông đã đầu tư 17 tỷ đồng xây dựng 3 nhà xưởng chế biến đồ gỗ có diện tích 8.000m2, chủ yếu là chế biến gỗ rừng trồng mua tại các địa phương trong cả nước, mỗi năm cho doanh thu 13 - 15 tỷ đồng, lãi 2 - 3 tỷ đồng. Nhà xưởng tạo việc làm cho 65 lao động có công việc thường xuyên và hơn 30 lao động thời vụ thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Thành cũng đầu tư chăn nuôi gia súc - gia cầm kết hợp với trồng rừng. Trang trại chăn nuôi được đầu tư xây dựng quy mô công nghiệp. Tổng diện tích xây dựng là 3.670m2, tổng giá trị đầu tư 19 tỷ đồng gồm 2 khu chăn nuôi heo thịt, mỗi năm xuất chuồng 528 tấn heo hơi, cho thu nhập 21 tỷ đồng (tính giá heo hơi 40 nghìn đồng/kg), lãi khoảng 1,6 tỷ đồng. Trang trại nuôi gà lấy trứng với tổng đàn 8.000 con, mỗi ngày xuất chuồng 7.000 quả trứng, doanh thu hơn 4 tỷ đồng/năm. 

“Trong 5 năm qua (2015 - 2020), tôi đã đầu tư khoảng 39 tỷ đồng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó đạt tổng doanh thu 92 tỷ đồng, lợi nhuận 16 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 3 tỷ đồng” - ông Thành nhẩm tính.

Từ quá trình vượt khó xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, ông Thành cho rằng điều quan trọng nhất đó là lòng quyết tâm. “Phải làm cho được những gì mình đã đề ra, không nản chí khi gặp khó khăn và không tự hài lòng khi mới bước đầu có kết quả, cả 2 đều cận kề và dễ đưa đến thất bại” - ông chia sẻ. 

Bên cạnh việc tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh, ông Thành còn là người có nhiều đóng góp, hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương như tặng quà hộ nghèo dịp Tết Nguyên đán, tặng học bổng cho học sinh đầu năm học, trao sổ tiết kiệm cho các gia đình thương binh liệt sĩ…

Ngoài ra còn đóng góp, ủng hộ Quỹ  vì người nghèo, Quỹ chất độc da cam, Quỹ vì trái tim cho em; đóng góp cho Quỹ khuyến học của xã Đại Quang trong 5 năm là 80 triệu đồng. Với những kết quả đạt được, ông Phạm Ngọc Thành đã vinh dự nhiều lần trung ương, tỉnh khen thưởng, biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đặc biệt là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2016.

Ông Thành cho rằng, công tác tuyên truyền phải làm sao để nông dân nhận thức đúng đắn về một nền nông nghiệp sản xuất hiện đại trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế. Sản xuất nông nghiệp nhất định phải đi theo hướng làm ăn lớn, có sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng cao, tạo nên thương hiệu có uy tín. Muốn như vậy cần sớm triển khai đề án tích tụ ruộng đất, nâng hạn mức vốn vay để các doanh nghiệp, chủ trang trại, gia trại có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tạo nên những cánh đồng lớn hoặc những vùng chăn nuôi lớn đạt năng xuất chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo nên thương hiệu...

VINH ANH