Vướng mắc trong sản xuất theo chuỗi
Chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại trong cơ chế thị trường cạnh tranh, chưa khai thác hết tiềm năng trong liên kết… khiến câu chuyện sản xuất theo chuỗi của Quảng Nam đang gặp phải khá nhiều khó khăn cần giải quyết.
Các chuỗi cung ứng thịt heo an toàn, chả thịt heo an toàn, sản phẩm thịt gà an toàn, trứng gà an toàn, nước mắm an toàn và rau an toàn được tổ chức sản xuất thí điểm bắt đầu từ năm 2017. Cùng với đó là rất nhiều nông sản được định hướng sản xuất theo chuỗi giá trị cũng đang phải lao đao. Thời điểm này, khi câu chuyện phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19 bắt đầu, thì càng có nhiều hơn những vướng mắc cần được nhận diện và từng bước tháo gỡ để tạo dựng giá trị các chuỗi sản xuất.
KHÓ TIÊU THỤ SẢN PHẨM
Nhiều quầy hàng được hỗ trợ để kinh doanh các mặt hàng sản xuất theo chuỗi giá trị lần lượt đóng cửa. Thậm chí còn có chủ thể nằm trong danh mục sản phẩm định hướng sản xuất liên kết theo chuỗi này có ý định ngừng sản xuất. Mặc dù các mặt hàng tham gia chuỗi sản phẩm nông nghiệp sạch có chất lượng rất tốt và kiểm định khắt khe, tuy nhiên vẫn chưa được tiêu thụ mạnh trên thị trường.
Lần lượt đóng cửa quầy hàng
Ông Hồ Sơn Ca - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sạch Mỹ Hưng (Bình Triều, Thăng Bình) thông tin, trong vòng 2 năm trở lại đây, các điểm bán sản phẩm rau quả sạch của HTX lần lượt đóng cửa, giờ chỉ còn duy trì một điểm tại số 2 Phan Châu Trinh (TP.Đà Nẵng) với sản lượng tiêu thụ chỉ 50kg/ngày. Trong khi đó, ngay từ giữa năm 2017, HTX Nông nghiệp sạch Mỹ Hưng là một trong những đơn vị nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Sở NN&PTNT cũng như một số tổ chức phi chính phủ để xây dựng chuỗi sản phẩm rau quả an toàn. Khá bài bản ngay từ lúc bắt đầu với sự đồng lòng tham gia mô hình của 23 hộ dân, cùng những kiểm định khắt khe từ các cơ quan chức năng để sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn khi ra thị trường.
“Chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu đất và mẫu nước tưới tại vùng rau Hưng Mỹ để phân tích các chỉ tiêu theo quy định và kết quả cho thấy cả 3 mẫu đều đạt yêu cầu. Cùng với đó, tổ chức tập huấn các kiến thức về kỹ thuật sản xuất rau quả an toàn, những quy định về sản xuất và cách thực hiện để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chuyển giao phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên rau quả cho các hộ tham gia mô hình. Đồng thời hợp đồng 1 cán bộ kỹ thuật tại địa phương để giám sát, kiểm tra việc thực hiện sản xuất rau quả của bà con nông dân” – đại diện Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh kể lại.
Ngay sau khi tạo ra những sản phẩm đầu tiên, chi cục này đã lấy 20 mẫu rau quả tươi tại các hộ sản xuất tham gia mô hình chuỗi để phân tích các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm và kết quả cho thấy cả 20 mẫu đều đạt yêu cầu theo quy định. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HTX Nông nghiệp sạch Mỹ Hưng tiêu thụ sản phẩm, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ một phần kinh phí để đơn vị này mua một xe tải chuyên dụng phục vụ việc vận chuyển rau quả và mua máy in nhãn mác, các thiết bị máy móc, tủ, kệ, pa-nô, áp phích... trang bị cho các cửa hàng bán rau.
Khi chuỗi sản phẩm hình thành, HTX Nông nghiệp sạch Mỹ Hưng được hỗ trợ để mở 3 điểm bán hàng tại TP.Đà Nẵng với sản lượng rau quả tiêu thụ khoảng 35 tấn sản phẩm các loại/tháng. Bên cạnh đó, tại TP.Tam Kỳ, đơn vị này cũng mở một cửa hàng ở chợ Trung tâm Thương mại và một cửa hàng tại số 210 Huỳnh Thúc Kháng với sản lượng tiêu thụ khoảng 21,6 tấn/tháng.
“Sở dĩ nhiều cửa hàng cung ứng rau quả sạch của HTX đóng cửa là do sản lượng tiêu thụ cứ tụt giảm dần, doanh thu đạt quá thấp, trong khi chi phí thuê mặt bằng lại quá cao nên thu không đủ bù chi, phải chịu cảnh thua lỗ kéo dài. Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều nơi thực hiện biện pháp giãn cách xã hội khiến việc tiêu thụ sản phẩm càng khó khăn hơn. Thực lòng mà nói, hiện giờ HTX cũng chưa thể xác định được biện pháp hữu hiệu nhất cho vấn đề tiêu thụ sản phẩm rau quả sạch theo chuỗi” – ông Hồ Sơn Ca chia sẻ.
Tương tự, ở chuỗi heo sạch, hai cửa hàng được hỗ trợ để mở bán cho người tiêu dùng của Công ty TNHH Sản xuất, chế biến thực phẩm Quảng Nam và HTX Duy Đại Sơn tại Hà Lam và Tam Kỳ đã ngưng hoạt động. Lý do được đưa ra bởi sự chênh lệch về giá thành cũng như tâm lý của người tiêu dùng, Theo nhìn nhận từ ngành nông nghiệp, hiện nay các cơ sở, cửa hàng kinh doanh sản phẩm an toàn có thương hiệu từ Quảng Nam đang duy trì cầm chừng, bán không đảm bảo doanh thu nên không mạnh dạn đầu tư. Cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro còn khá chênh lệch, do vậy việc liên kết giữa cơ sở kinh doanh và người sản xuất chưa thật sự mặn mà.
Nhiều vướng mắc
Thực tế những năm qua cho thấy, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm đang gặp phải rất nhiều trở lực cần sớm tháo gỡ nhằm tạo “cú hích mạnh” cho lĩnh vực này.
Theo đánh giá của lãnh đạo ngành nông nghiệp Phú Ninh, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua việc sản xuất nông nghiệp theo phương thức hàng hóa và liên kết chuỗi giá trị ở địa phương vẫn còn gặp không ít khó khăn. Phú Ninh đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung nhưng tính tổ chức, liên kết còn hạn chế và chưa có những dự án đầu tư tổ chức sản xuất liên kết giữa các vùng.
Trong khi đó, hình thức chăn nuôi tự phát, phân tán trước đây vẫn chưa được sắp xếp nên nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Việc triển khai quy hoạch phát triển chăn nuôi gặp khó nên chưa có điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất. Đặc biệt, do vướng cơ chế về đất đai và vài yếu tố khác nên các vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp công nghệ cao lẫn khu quy hoạch chăn nuôi tập trung chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu dẫn đến không thể thu hút đầu tư.
Ông Đinh Long Toàn – Phó trưởng Phòng NN&PTNT Phú Ninh cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại nêu trên xuất phát từ đặc trưng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán còn khá phổ biến; tư duy quy mô hộ vẫn còn nặng nề; hoạt động của các HTX chưa đáp ứng vai trò chủ xướng để tạo dựng những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đồng bộ; nguồn lực đầu tư, trình độ lao động, trình độ quản lý, kỹ thuật trong sản xuất còn thấp.
“Việc tích tụ đất đai vẫn còn nhiều trở lực như cơ chế, chính sách chưa được ban hành cụ thể; tâm lý người dân vẫn còn e ngại xảy ra những biến động trong việc cho thuê quyền sử dụng đất, sự thay đổi tính chất đất đai khi mình không trực tiếp khai thác, sử dụng… dẫn đến khó tìm được sự đồng thuận trong quá trình tích tụ ruộng đất. Vấn đề thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn trong thủ tục hành chính, sự đồng thuận, chấp nhận vùng dự án của người dân. Cạnh đó, ngành chức năng của địa phương cũng khó khăn trong việc đánh giá thực lực của nhà đầu tư để có quyết sách phù hợp” - ông Toàn nói thêm.
NÂNG CAO VAI TRÒ HTX
Một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất nông sản chính là các HTX nông nghiệp. Thời gian tới, Quảng Nam cần tính toán tăng cường triển khai các cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy “mắt xích” này phát triển.
Ông Hồ Dậy – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, ngoài 5 chuỗi sản phẩm được UBND tỉnh ủy quyền cho Sở NN&PTNT chọn triển khai thí điểm trong 2 năm 2016 – 2017 gồm rau quả, thịt heo, thịt gà, trứng gà, nước mắm thì những năm qua Quảng Nam cũng xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như lúa giống hàng hóa, ớt xuất khẩu, đậu phụng và một số loại cây trồng cạn chủ lực khác. Theo ông Dậy, trong việc liên kết sản xuất này, vai trò của các HTX là rất quan trọng, quyết định lớn đến sự thành bại của mô hình. Tuy nhiên, thời gian qua một số HTX còn yếu kém về năng lực quản lý, điều hành, nhất là trong khâu tổ chức các loại hình dịch vụ và phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nên dẫn đến hiệu quả kinh tế mang lại thấp.
“Để khắc phục tình trạng này, nhất thiết phải tập trung đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các HTX. Từ đó, giúp họ hoạch định bài bản chiến lược sản xuất – kinh doanh, nhất là đẩy mạnh việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị” – ông Dậy nói.
“Trong chuỗi liên kết, quan trọng nhất là thực hiện theo các quy trình an toàn như VietGAP, GlobalGAP… Vai trò của người sản xuất cũng rất quan trọng, đặc biệt là sản xuất phải theo tiêu chuẩn, quy trình đặt hàng của thị trường. Người sản xuất mà không nhận thức được điều này thì sẽ rất khó khăn. Những hộ nông dân có quy mô quá nhỏ thường là liên kết không thành công. Trong tương lai, một mặt chúng ta phải đào tạo cho nông dân, mặt khác phải nâng cao nhận thức và tích tụ quy mô để giá trị tăng lên. Đây chính vấn đề cần đến sự vào cuộc của tổ chức HTX với vai trò “bà đỡ” của mình đối với nông dân”.
(Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn - Bộ NNPTNT)
Gần đây Quảng Nam nỗ lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Thế nhưng, hiện có quá ít doanh nghiệp lớn làm “đầu tàu” trong việc thu mua và chế biến sâu các mặt hàng nông sản chủ lực. Vì vậy, sản phẩm từ nông nghiệp không đa dạng, chưa tạo ra được nhiều giá trị gia tăng nên việc triển khai sản xuất - kinh doanh theo chuỗi liên kết không đạt hiệu quả cao.
“Về phía Liên minh HTX tỉnh, chúng tôi đang tập trung khuyến khích các HTX sản xuất – kinh doanh cùng ngành hàng, cùng loại sản phẩm liên kết lại với nhau (gọi là liên hiệp HTX) để tổ chức sản xuất với quy mô lớn nhằm đảm bảo lượng hàng hóa lớn cung ứng cho các doanh nghiệp. Hiện tại, các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà sản xuất tự phát, chưa kể nhiều hộ tự phá vỡ liên kết khi giá sản phẩm gia tăng đột biến, tự ý bán phá giá cho các thương lái khác, chẳng hạn như lúa giống” – ông Dậy chia sẻ thêm.
Nhiều nhà kinh doanh nhận định, việc liên kết chuỗi nông sản với nông dân rất khó khăn bởi sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong khi yêu cầu đầu tiên của các siêu thị cung ứng là phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp nhân để giao dịch, mua bán... Thực tế này buộc các HTX cần được sự hỗ trợ từ các sở ngành.
Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang cho rằng, các HTX rất cần sự hỗ trợ trong việc mở các cửa hàng cung ứng sản phẩm cũng như đẩy mạnh khâu truyền thông, quảng bá, nhất là tạo điều kiện thuận lợi để được tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm. Ngoài ra, tại các hội nghị, hội thảo và những dịp khác, nếu tặng quà cho đại biểu tham dự thì UBND cấp tỉnh, cấp huyện cũng nên ưu tiên chọn những sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP, vì đây là “kênh” giới thiệu sản phẩm khá hiệu quả.
ĐẨY MẠNH KIỂM SOÁT
Nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc giả danh nông sản sạch của Quảng Nam. Việc này không chỉ gây hại cho người tiêu dùng mà còn đẩy người sản xuất vào đường cùng.
Ông Bùi Việt Tín - Giám đốc HTX Gà ta Mười Tín chia sẻ, ông đang đau đầu với câu chuyện một số đơn vị trên địa bàn tỉnh sau khi yêu cầu ông trưng tất cả giấy tờ đảm bảo sản phẩm an toàn thì... im bặt. Sau đó, lại xuất hiện thông tin cho biết có đơn vị đang sử dụng gà Mười Tín, trong khi ông Tín không hề có bất cứ giao dịch nào với họ.
Ông Bùi Việt Tín nói, đây không chỉ là chuyện của riêng ông mà là vấn đề rất nhiều chủ thể sản xuất theo chuỗi gặp phải. “Tôi nghĩ cần phải rà lại khâu kiểm soát an toàn thực phẩm” - ông Bùi Việt Tín nói. Đây cũng là ý hướng của ông Huỳnh Đức Tường - Giám đốc Global Farm khi cho rằng, các sản phẩm không rõ nguồn gốc lại có giá thành dễ chịu hơn sẽ đẩy các sản phẩm sạch vào thế yếu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc đối thoại lần thứ 3 với nông dân nhiều địa phương thuộc khu vực miền Trung – Tây Nguyên (diễn ra hôm 28.9 tại Đắk Lắk), khẳng định, nông nghiệp – nông thôn là trụ đỡ khá vững chắc của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 xuất hiện và gây hại kéo dài. Theo đó, muốn phát triển lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và có tính bền vững, nhất thiết phải tổ chức sản xuất theo phương thức hàng hóa tập trung và liên kết chuỗi giá trị sản phẩm. Và đây chính là xu hướng tất yếu hiện nay.
Còn ông Nguyễn Tứ - Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.Đà Nẵng cho biết, trước dịch Covid-19, nguồn rau từ Quảng Nam đưa ra Đà Nẵng tiêu thụ hằng năm khoảng 12 – 15 nghìn tấn, chiếm tỷ trọng 30%. Về gia súc gia cầm nhập khoảng 60 – 70 nghìn con. Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho Đà Nẵng thì giữa hai địa phương đã ký kết hợp tác, trong đó, Quảng Nam cam kết hướng dẫn người dân sản xuất thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn TP. Đà Nẵng đã đưa ra.
“Chúng tôi đã ban hành quyết định, nếu kiểm tra giám sát sản phẩm của Quảng Nam nhập vào Đà Nẵng còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ không nhập tiếp. Thêm một điều nữa là nguồn thực phẩm sản xuất nhỏ lẻ từ Quảng Nam chưa tham gia chuỗi này rất lớn và đang chi phối thị trường, liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng” - ông Nguyễn Tứ nói.
Việc thí điểm 5 chuỗi sản phẩm sạch đang được tiếp tục nâng lên một bước cao hơn cho toàn bộ nông sản xứ Quảng thông qua chương trình OCOP. Ông Cao Tấn Thuấn - Trưởng Phòng Quản lý chất lượng - Chi cục Nông lâm thủy sản cho biết, OCOP chính là bước đi tiếp theo của câu chuyện sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đã được thí điểm. Thay vì tiếp tục đầu tư cho câu chuyện sản xuất theo chuỗi giá trị ở một số sản phẩm, tỉnh sẽ đầu tư để các sản phẩm OCOP đi ra thị trường. Tuy nhiên, các sản phẩm OCOP hiện nay rất khó cạnh tranh với sản phẩm cùng dòng tại thị trường.
Ở góc độ doanh nghiệp tiêu thụ, bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.op Mart Tam Kỳ cho biết, thời gian gần đây, các sản phẩm xuất xứ Quảng Nam đã chú trọng hơn về mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu, ngành hàng.
“Có thể nói các yếu tố này đang được các doanh nghiệp, chủ cơ sở hoàn thiện dần, mang tính chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên về giá thành sản phẩm, đa số các sản phẩm giá còn khá cao. Vì vậy, phải làm sao để giá thành sản phẩm ở mức chấp nhận được, cũng như các sở ngành cần tạo điều kiện để hỗ trợ bà con tiếp tục quảng bá sản phẩm vùng miền, sản phẩm đặc trưng của mỗi xã đến với người tiêu dùng, trước mắt là người tiêu dùng trong tỉnh” - bà Lai nói.
Tại Quảng Nam, theo những chủ thể sản xuất, cần những cuộc gặp gỡ của lãnh đạo tỉnh và các ngành để lắng nghe ý kiến và những khó khăn mà HTX, doanh nghiệp, nông dân đang gặp phải. Đại diện ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, sở này đang làm việc cùng một tập đoàn khá lớn để thu mua nông sản sạch của Quảng Nam. Đây là cơ hội lớn của nông dân và cả ngành nông nghiệp của địa phương.