Thăng Bình tăng cường kiểm soát dịch tả lợn châu Phi

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC 11/09/2020 08:15

Tháng 6.2020, huyện Thăng Bình công bố hết dịch tả lợn châu Phi, các địa phương đã hướng dẫn nhân dân tái đàn trở lại. Thế nhưng liên tiếp tháng 7 và 8 vừa qua, 2 địa phương là Bình Minh và Bình Giang tái bùng phát dịch, hiện các ngành chức năng đang tăng cường kiểm soát.

Lực lượng chức năng xã Bình Giang tiêu hủy heo do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: BIÊN THỰC
Lực lượng chức năng xã Bình Giang tiêu hủy heo do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: BIÊN THỰC

Cuối tháng 7, dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại tại xã Bình Minh với số lượng 5 con và tiếp theo đó tại xã Bình Giang cũng đã tiêu hủy 55 con heo do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Riêng đối với xã Bình Giang, tính đến ngày 6.9, toàn xã đã tiêu hủy 8,9 tấn heo các loại, trong đó heo nái 6,7 tấn.

Theo ông Nguyễn Đình Vinh - cán bộ thú y xã Bình Giang, dịch tả lợn châu Phi kết thúc hồi tháng 6 vừa qua, địa phương chỉ còn 420 con heo các loại. Sau đó, người dân tự nhân đàn đến nay đã có khoảng 2.000 con, trong đó hơn một nửa là heo nái. Trong thời gian qua, địa phương mới chỉ thông báo hướng dẫn trên sóng đài truyền thanh xã về việc tái đàn trở lại. Tuy nhiên vừa mới hướng dẫn thì dịch bệnh lại tiếp tục bùng phát. Lúc này địa phương đã phải nhanh chóng thành lập đội tiêu hủy heo, tiến hành cân đo trọng lượng heo chết và lập biên bản.

“Khó nhất hiện nay là giá heo hơi thị trường còn khá cao, sợ rằng người dân “bán chạy” heo bị bệnh mà không khai báo với chính quyền địa phương để tiêu hủy heo dẫn đến lây lan dịch bệnh. Trong khi đó hơn 11,7 tấn heo tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi vào hồi đầu năm 2020 vẫn chưa được hỗ trợ cho người chăn nuôi” - ông Vinh nói.

Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, ngay sau khi tái bùng phát dịch tại xã Bình Minh và Bình Giang, chính quyền huyện Thăng Bình đã chỉ đạo các ngành, cơ quan chuyên môn và địa phương triển khai biện pháp dập dịch, khống chế không để lây lan sang các địa phương khác.

Ông Khiết nói: “Đối với 2 địa phương này, chúng tôi yêu cầu tuyệt đối nghiêm cấm người chăn nuôi tái đàn để thực hiện việc phòng chống dịch bệnh. Những địa phương không tái phát dịch tả lợn châu Phi thì có thể tiếp tục hướng dẫn tái đàn trở lại. Nhưng các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các hộ chăn nuôi thực hiện tốt việc vệ sinh chuồng trại, chọn những con giống chất lượng nếu tái đàn”.

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC