Thâm canh bưởi da xanh

TRIÊU NHAN 10/09/2020 06:10

Trên đất bạc màu chuyển đổi từ đất trồng keo, ông Nguyễn Văn Bình (xã Tam Xuân 1, Núi Thành) mạnh dạn cải tạo đất, đầu tư trồng thâm canh 200 gốc bưởi da xanh ruột đỏ. Bước đầu mô hình mở ra triển vọng mới trên đất khó, là địa chỉ để nhiều người tham quan, chia sẻ kinh nghiệm.

Mô hình thâm canh bưởi da xanh tại xã Tam Xuân 1, Núi Thành. Ảnh: TRIÊU NHAN
Mô hình thâm canh bưởi da xanh tại xã Tam Xuân 1, Núi Thành. Ảnh: TRIÊU NHAN

Hơn 3 năm trước, ông Nguyễn Văn Bình (thôn Bích An, Tam Xuân 1) đã mạnh dạn chuyển đổi, cải tạo toàn bộ khu vườn rộng 3.000m2 để trồng bưởi da xanh. Vốn là đất trồng keo lâu năm nên chất đất bạc màu, cằn cỗi, nếu không cải tạo, ông Bình nghĩ, dù có trồng cây gì cũng chẳng hiệu quả và năng suất cũng sẽ thấp. Trong khi nhiều hộ không dám bỏ chi phí cải tạo đất thì vợ chồng ông đã bỏ tiền thuê xe cơ giới múc lớp đất xấu trên bề mặt, dọn sạch rễ cây, chở đất tốt từ nơi khác về, đào hố rộng, có độ sâu 80cm, bón lót phân hữu cơ, bón lót vôi, xử lý đất ban đầu, để một thời gian cho phân hoai mục rồi mới bắt đầu trồng cây.

Nhận thấy ngoài các yếu tố kỹ thuật, phân bón, phòng trừ dịch bệnh, nước... thì giống chính là yếu tố chính quyết định năng suất cây trồng nên ông rất cẩn trọng. Vợ chồng ông đã lặn lội ra phía Bắc, tham quan tận vườn, đặt mua 200 gốc bưởi da xanh ruột đỏ với giá mỗi cây giống là 50 nghìn đồng đưa về trồng. Nhờ đầu tư kỹ thuật, bón phân hữu cơ, chăm sóc kỹ lưỡng, giữ chế độ nước tưới đầy đủ, vườn bưởi của ông phát triển sum suê, cành tán rộng và đã cho quả bói đầu mùa.

Đứng trước vườn bưởi xanh mướt, cành nhánh đan dày, vợ chồng ông Bình kể, ban đầu, khi thấy ông trồng bưởi, nhiều người rất lo, e rằng công cốc nhưng rồi mồ hôi, công sức bỏ ra được đền bù xứng đáng khi 3 năm, vườn bưởi đã bắt đầu cho quả bói.

“Tôi phải ngắt bỏ hết trái để dưỡng cây, chỉ giữ lại một số cây cho trái để rút kinh nghiệm thực tiễn về chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, nước tưới, kỹ thuật phòng và xử lý một số loại bệnh trên quả, trên lá và thân cây. Cây bưởi vốn là “cây nhà giàu”, rất nhiều bệnh, nếu không kịp thời phát hiện, xử lý bệnh thì nguy cơ thất bại không hề nhỏ. Vợ chồng tôi muốn hướng tới mô hình vườn sinh thái, xây dựng thương hiệu bưởi an toàn nên rất nhọc công, liên tục bám vườn. Phải nói là nếu không chịu khó đầu tư, thâm canh, không kiên trì, chẳng thể làm nổi như thế này” - ông Bình chia sẻ.

Thành quả từ công sức, mồ hôi của ông Bình sắp cho quả ngọt. Cùng một năm trồng, cùng một giống bưởi, cùng một loại hình thổ nhưỡng nhưng vườn bưởi nhà ông lại to cây, sum suê hơn các vườn. Hiện, ông Bình đang phát dọn cỏ, xới gốc, bón phân hữu cơ cho cây, tưới nước đều đặn để dưỡng cây, chờ vụ bưởi tết. Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi cây bưởi tết chỉ cần giữ lại từ 30 - 50 trái là đã có thu nhập bước đầu khá tốt. Bưởi da xanh ruột đỏ là giống bưởi trái rất to, rất nặng, mỗi trái tầm 2 - 2,5kg, giá mỗi quả cả trăm nghìn đồng vào dịp tết. 

Mô hình trồng thâm canh bưởi da xanh trên đất trồng keo bạc màu chuyển đổi của hộ ông Nguyễn Văn Bình đã trở thành địa chỉ tham quan, trao đổi kinh nghiệm của nhiều nông dân xa gần. Đây cũng là “điểm sáng” trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất Tam Xuân 1, Núi Thành.

TRIÊU NHAN