Nâng giá trị nông sản vùng cao
Từ những kết quả bước đầu trong thực hiện nhiệm vụ đột phá chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, Nam Giang đang tiếp tục đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần ổn định đời sống người dân địa phương.
Chuyển đổi cơ cấu
Ông Nguyễn Đăng Chương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang cho biết, từ các nhiệm vụ đột phá trong phát triển nông nghiệp, những năm qua, chính quyền địa phương đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp phù hợp nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trọng điểm. Đồng thời nghiên cứu lựa chọn các loại cây trồng, con vật nuôi có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để chuyển đổi hiệu quả. Các giải pháp này được kết hợp song song với hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với thị trường đầu ra, tạo chuyển biến tích cực trong mở rộng quy mô sản xuất các chuỗi giá trị ngành nông nghiệp hữu cơ đặc trưng vốn có.
Giai đoạn 2015 - 2019, Nam Giang hỗ trợ trồng mới hơn 1.245ha cây lâm nghiệp (chủ yếu là cây keo Úc và keo tai tượng); gần 100ha cây dược liệu (ba kích tím, đinh lăng); hơn 90ha cây ăn quả (bưởi da xanh, bơ các loại) và hỗ trợ phát triển chăn nuôi hơn 500 con bò, 300 con heo giống. Chỉ tính riêng năm 2019, địa phương cũng đã hỗ trợ hơn 100 nghìn cây bưởi da xanh; 20 nghìn cây bơ các loại; gần 2 triệu cây keo Úc; 100 tấn phân bón, vôi bột và 200 con bò cái sinh sản cho các hộ dân trên địa bàn có cơ hội phát triển, ổn định cuộc sống. Những năm qua, ngành sản xuất nông nghiệp luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện với giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 5,84%; duy trì diện tích gieo trồng hàng năm đạt khoảng 7.600ha, nâng sản lượng lương thực có hạt bình quân hơn 6.800 tấn/năm.
Qua 5 năm (2015 - 2020) triển khai, bước đầu Nam Giang đã thực hiện thành công việc chuyển đổi các loại cây trồng, con vật nuôi chủ lực theo các nghị quyết của huyện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của người dân miền núi. Nhờ đó, hình thành nên những mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi bò, dê, heo cỏ tập trung kết hợp với trồng cây keo nguyên liệu, chuối, bưởi da xanh và một số loại cây dược liệu khác như đinh lăng, ba kích tím… Đồng thời triển khai trồng rừng gỗ lớn và mở rộng phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa, từng bước nâng cao giá trị nông - lâm sản đặc trưng của địa phương.
“Cùng với nâng cao năng lực, trình độ sản xuất của người dân, chúng tôi chú trọng đẩy mạnh hoạt động giám sát, hỗ trợ của đội ngũ cán bộ cơ sở. Từ đó, giúp việc liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm được đảm bảo, góp phần nâng cao chất lượng nông - lâm sản đặc trưng, hướng đến thực hiện chế biến, sơ chế thành sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng” - ông Chương nói.
Mở rộng thị trường
Bí thư Huyện ủy Nam Giang - ông Lê Văn Hường cho hay, những năm qua, bên cạnh nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nâng cao hiệu quả giá trị nông - lâm sản, địa phương cũng định hướng chủ trương mở rộng liên kết nhằm đưa các mặt hàng đặc trưng của vùng cao tiêu thụ mạnh ở thị trường trong và ngoài tỉnh.
Để tạo ra các sản phẩm chất lượng, ngoài ngân sách địa phương, Nam Giang đã triển khai lồng ghép các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh để phân bổ cho phương án hỗ trợ các loại giống cây trồng, con vật nuôi, giúp người dân phát triển sản xuất. Nhiều nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện được ban hành và triển khai giúp tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, hướng đến nâng cao chất lượng hàng nông - lâm sản theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.
Từ những hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp thời gian qua, Nam Giang định hướng tiếp tục duy trì mô hình sản xuất đem lại giá trị kinh tế, hình thành các chuỗi sản phẩm chất lượng để tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Theo đó, bên cạnh ưu tiên sản phẩm chế biến chiều sâu, có khả năng sản xuất lớn, có giá trị và mang bản sắc đặc trưng riêng của địa phương, các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp cần tổ chức tuyển chọn kỹ các sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ chương trình OCOP; đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp có năng lực để mở nhà máy sơ chế, chế biến hàng nông - lâm sản trên địa bàn huyện. Qua đó thúc đẩy sản xuất nguyên liệu, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ và tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương.
Ngoài ra, trên cơ sở tận dụng sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật của đội ngũ tư vấn từ các chương trình, dự án phi chính phủ đang triển khai trên địa bàn huyện như: Dự án phát triển tiềm lực nông thôn dựa vào cộng đồng; dự án Trường Sơn Xanh, Nam Giang kỳ vọng sẽ thúc đẩy các chuỗi giá trị hàng hóa nông - lâm sản đặc trưng từ mây tre đan lát, rừng gỗ lớn, cùng một số mặt hàng nông sản vốn có hiện nay gồm chuối rừng, măng tre nứa, lồ ô, đậu các loại, gạo nếp...