Khoan giếng bơm nước cho nông dân sản xuất lúa

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC 13/07/2020 08:58

(QNO) - Tận dụng các ao gom nước nhĩ cùng với hệ thống giếng bơm, vụ hè thu này hầu hết diện tích lúa ở thôn Phước An (xã Bình Hải, Thăng Bình) canh tác thuận lợi. Việc điều tiết nước tưới vào từng chân ruộng được thủy nông viên đảm nhận, giúp người nông dân yên tâm sản xuất.

Ao gom nước nhĩ tại thôn Phước An (xã Bình Hải) đã cung cấp nước sản xuất cho hàng chục héc ta lúa. Ảnh: BIÊN THỰC
Các ao gom nước nhĩ tại thôn Phước An (xã Bình Hải) cung cấp nước tưới cho hàng chục héc ta lúa. Ảnh: BIÊN THỰC

Vụ hè thu năm nay gia đình ông Hoàng Công Đăng (tổ 1, thôn Phước An) gieo sạ 5 sào ruộng. Ông Đăng cho biết, bắt đầu từ vụ này, mỗi hộ sản xuất lúa đóng thủy lợi phí 50 nghìn đồng/sào/năm, nước tưới được đảm bảo đến tận chân ruộng. Nông dân chỉ việc thăm đồng kiểm tra tình hình sâu bệnh, cỏ dại để có biện pháp phòng trừ.

“Ruộng tại đây là ruộng đất sâu nên chỉ phù hợp với việc gieo sạ lúa. Mấy năm trước do một số khu vực không có nước nên phải bỏ hoang, nếu sản xuất thì phải thức đêm để lấy nước. Cũng vì miếng nước mà nhiều khi anh em, hàng xóm xảy ra bất đồng. Nhưng từ vụ này, chuyện nước tưới đã có thủy nông viên đảm nhận” - ông Đăng nói.

Nông dân thôn Phước An sản xuất thuận lợi nhờ hệ thống giếng bơm:

Ông Hoàng Ngọc Khê là một trong 2 thủy nông viên đảm nhận vai trò điều tiết nước cho khu vực tổ 1 của thôn Phước An với diện tích hơn 16ha. Vụ hè thu này, từ lúc nông dân xuống giống gieo sạ đến nay, ông Khuê cùng lão nông khác phải cân đối nguồn nước đảm bảo ở từng khu vực.

Theo ông Khê, thôn Phước An thuận lợi ở chỗ có rất nhiều ao gom nước nhĩ, ao lớn nhất ở tổ 3 với diện tích khoảng 3.000m2 được tận dụng để bơm nước phục vụ sản xuất. Còn tại tổ ông quản lý có 1 ao gom nước nhĩ đã được lắp đặt thêm 2 giếng khoan đặt gần những tuyến kênh mương. Thời điểm nắng nóng hiện nay, máy bơm vận hành liên tục, cứ 10 ngày thì nghỉ 3 ngày.

“Nhiệm vụ của thủy nông viên là thực hiện việc điều tiết nước. Chúng tôi phải tính toán đến từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa để đảm bảo nước tưới cho bà con bón phân, phun thuốc. Đối với những tuyến mương bằng đất, thủy nông viên phải đảm nhận luôn công việc dọn vệ sinh, nạo vét để dòng nước được thông suốt” - ông Khê cho biết thêm.

Từ ngày có được những trạm bơm dẫn nước ra ruộng, bà con nông dân ở đây đỡ vất vả.
Từ ngày có những trạm bơm dẫn nước ra ruộng, nông dân đỡ vất vả hơn. Ảnh: BIÊN THỰC

Đây là vụ đầu tiên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bình Hải đứng ra thực hiện việc cung cấp nước sản xuất nông nghiệp. Ngay sau khi được UBND xã Bình Hải giao nhiệm vụ, HTX tiến hành thử nghiệm cung cấp nước từ ao nước nhĩ và giếng bơm tại thôn Phước An với tổng diện tích 80ha. Trước khi thử nghiệm, HTX đã họp dân để thông báo, khảo sát, chọn vị trí đặt giếng bơm phù hợp.

Theo ông Nguyễn Văn Bốn - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Hải, từ xa xưa trên địa bàn xã người dân đã tận dụng ao gom nước nhĩ để sản xuất, riêng thôn Phước An có 5 ao. Dựa vào lợi thế này, trước vụ hè thu các thành viên HTX đã ra quân nạo vét, vệ sinh lại các ao gom nước nhĩ. Cùng với đó, được sự hỗ trợ của UBND xã Bình Hải, HTX đóng thêm 10 giếng bơm, mỗi giếng khoảng 5 - 6 triệu đồng.

“Hè thu là vụ sản xuất khó khăn nhất trong năm bởi thường xuyên thiếu nước. Từ hiệu quả ban đầu, trong vụ đến HTX sẽ tiếp tục kinh doanh mở rộng dịch vụ điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở 3 thôn còn lại của xã. So với mức thu phí bên ngoài, thì giá thủy lợi phí mà HTX đang thu là phù hợp, bà con có thể yên tâm sản xuất, không phải bỏ hoang đồng ruộng. Ngược lại, HTX cũng mong muốn được hỗ trợ thêm nguồn vốn để đóng giếng, lắp đặt thêm máy bơm” - ông Bốn nói.

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC