Mô hình trồng đậu phụng ở Bình Nam: Hiệu quả nhưng chưa bền vũng
Từ một loại cây chuyển đổi để thích ứng khô hạn ở vùng đất pha cát Bình Nam (Thăng Bình), đến nay cây đậu phụng đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cây lúa. Tuy nhiên, để phát triển theo hướng bền vững, cần thêm nguồn lực để đầu tư hạ tầng, nhất là công trình thủy lợi.
Đầu tư cơ giới hóa
Ông Nguyễn Thanh Hải (58 tuổi, thôn Nghĩa Hòa, xã Bình Nam) có 8 sào đất canh tác. Nhiều năm trước, ông trồng 2 vụ lúa mỗi năm. Do tình hình khô hạn diễn ra khắc nghiệt nên từ năm 2017, ông chuyển sang trồng cây đậu phụng ở vụ hè thu vì loại cây này chịu hạn tốt. Hiệu quả ngay trong vụ chuyển đổi đầu tiên, với giá bán 30 nghìn đồng/kg đậu tươi, 1 sào thu hoạch được khoảng 3 tạ đậu, ông Hải có thể thu được gần 25 triệu đồng/vụ. “So với cây lúa thì cây đậu hiệu quả hơn rất nhiều. Vì đây là đất cát pha thịt nên vụ đông xuân phải trồng lúa, không thể trồng đậu” - ông Hải nói.
Những năm qua, việc canh tác đậu phụng ở Bình Nam có sự tham gia của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Nam (HTX Bình Nam) trong việc đưa cơ giới hóa xuống đồng ruộng. Cụ thể, lúa vụ đông xuân vừa thu hoạch xong, HTX Bình Nam cho máy cày xuống ruộng, cày tới đâu máy lên luống chạy theo sau để tạo luống trồng đậu.
Ông Trần Văn Ninh - Giám đốc HTX Bình Nam cho biết, làm liên hoàn như vậy để giữ được độ ẩm sẵn có trong đất, tạo điều kiện thuận lợi để hạt đậu khi trỉa xuống sẽ nhanh nảy mầm. Khi đậu đến vụ, HTX tiếp tục đưa máy thu hoạch xuống đồng hỗ trợ người dân rồi chở về sân phơi. Nếu thời tiết không thuận lợi, HTX cũng bố trí máy để sấy đậu cho người dân. Ngoài ra, HTX còn triển khai thu mua đậu phụng của người dân để ép dầu hoặc cung cấp cho các đơn vị khác liên kết. Như vậy, từ khâu vun trồng cho đến lúc thu hoạch, sấy và bao tiêu đầu ra, cây đậu phụng ở Bình Nam đã được áp dụng triệt để cơ giới hóa, hiệu quả kinh tế nâng cao rõ rệt. Trung bình, giá trị kinh tế trên 1ha trồng đậu phụng là 180 triệu đồng.
Cần thêm nguồn lực đầu tư
Theo HTX Bình Nam, những năm qua, đơn vị và người dân địa phương đã tiếp nhận và triển khai thí điểm các giống đậu L23 và L14 của cấp trên đưa về. Đậu thu hoạch từ các giống này cho hạt to hơn, nặng hơn giống đậu sẻ địa phương. Tuy nhiên, hàm lượng dầu trong các giống đậu lai ghép khá ít, không đạt bằng giống địa phương nên đến nay, người dân vẫn tiến hành trồng đậu sẻ và giữ lại những hạt có chất lượng để nhân giống F1. Theo ông Ninh, khó khăn trong việc trồng đậu phụng ở xã Bình Nam là tình hình khô hạn ngày càng diễn biến phức tạp. Nếu như nhiều năm trước, phải đến tháng 4 mới diễn ra hạn hán thì nay giữa tháng 2 đã khô hạn. Ông Ninh cho rằng, để cứu cây đậu phụng chỉ có xây dựng các ao gom nước nhỉ ở những gò cát cao, xa khu dân cư rồi dẫn về ruộng. Hiện có 6 ao nước, mỗi ao sâu 4m, rộng 2m2 ở khu vực sau Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Nam dẫn về tưới nước cho cánh đồng đậu ở thôn Nghĩa Hòa. Ngoài ra, người dân địa phương cũng cần một trạm bơm có bể chứa nước dẫn đường ống đi các cánh đồng đậu.
“Bình Nam là địa phương nằm ở cuối kênh nước Phú Ninh nên nước được dẫn về tới thôn Thái Đông, cách khá xa các cánh đồng đậu. Về lâu dài, chúng tôi mong muốn các ban ngành đầu tư đường ống dẫn nước dài khoảng 4km bắt từ khu vực thôn Thái Đông về khu vực thôn Nghĩa Hòa phục vụ chống hạn cho cây trồng” - ông Ninh nói.
Ông Nguyễn Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nam cho biết, từ khi chuyển đổi sang trồng cây đậu phụng đến nay, địa phương đã có 115ha đất cát trồng vụ đông xuân và hơn 200ha đất cát pha trồng vụ hè thu. Hiệu quả kinh tế từ việc trồng cây đậu phụng rất rõ rệt.
“Tuy nhiên, địa phương cũng còn gặp một số khó khăn do tình hình khô hạn diễn biến phức tạp, cần có một đề án dành riêng cho việc chống hạn với cây đậu phụng ở Bình Nam. Vì chủ yếu phục vụ tưới trong giai đoạn ngắn lúc đậu sinh trưởng phát triển nên chi phí vận hành hệ thống tưới không cao. Rất mong các ban ngành quan tâm để người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế” - ông Cảnh nói.