Nỗi niềm bên nương dâu

VĂN SỰ - QUỐC TUẤN 21/06/2020 19:56

Là một trong số ít địa phương hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm theo hướng bền vững nên Quảng Nam đang nỗ lực để gầy dựng lại thương hiệu tơ lụa xứ Quảng. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn lắm chông chênh… 

Diện tích cây dâu ở Quảng Nam hiện nay vẫn chỉ lác đác ở một số khu vực ven sông Thu Bồn. Ảnh: S.T
Diện tích cây dâu ở Quảng Nam hiện nay vẫn chỉ lác đác ở một số khu vực ven sông Thu Bồn. Ảnh: S.T

KHÓ KHÔI PHỤC, PHÁT TRIỂN

Năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không cao, thị trường tiêu thụ gần như bế tắc khiến những năm qua nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ở nhiều địa phương của tỉnh bị mai một và đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Một thời vang bóng

Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) bộc bạch, ngày trước ở vùng đất Điện Quang này, nhà nhà trồng dâu, người người nuôi tằm. Theo ông Thành, thời điểm 1987 – 1992, toàn xã có không dưới 1.100 hộ dân theo nghề trồng dâu nuôi tằm với tổng diện tích dâu chuyên canh trên các khu vực bãi biền là 340ha.

“Khi đó, bình quân hằng năm, hợp tác xã của chúng tôi thu mua của người dân khoảng 190 đến 310 tấn kén để phục vụ việc ươm tơ, dệt lụa và đưa sản phẩm đi tiêu thụ khắp nơi theo đơn đặt hàng của nhiều đối tác lớn. Thế rồi, càng về sau, thị trường tiêu thụ sản phẩm tơ lụa càng khó khăn, nghề trồng dâu nuôi tằm không mang lại hiệu quả kinh tế cao như trước nên người dân bỏ nghề, diện tích đất trồng dâu liên tục bị thu hẹp và cuối cùng là xóa sổ hoàn toàn” - ông Thành chia sẻ.

Còn ông Huỳnh Văn Ánh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, những năm 1980 – 1987 toàn huyện có khoảng 800 đến 1.000ha đất chuyên canh cây dâu, trải dài từ xã vùng tây Duy Thu xuống xã vùng đông Duy Thành. Thời điểm ấy, trên địa bàn Duy Xuyên có hơn 6.000 hộ dân theo nghề nuôi tằm lấy kén để ươm tơ, dệt lụa. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ năm 1992 trở về sau, nghề trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ, dệt lụa ở Duy Xuyên mai một dần. 

Giai đoạn 1980 - 1985 nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa của tỉnh phát triển mạnh mẽ nhất và đây được xem là đỉnh của thời hoàng kim. Vào thời kỳ đó, toàn tỉnh có khoảng 5.000 đến 5.500ha đất trồng dâu, chủ yếu tập trung trên những bãi biền nằm dọc sông Vu Gia - Thu Bồn thuộc các địa phương Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Nông Sơn. Bây giờ những ruộng dâu xanh chỉ còn lác đác ở một số nơi, nếu tính gộp lại thì không quá 20ha. Tuy nhiên, số diện tích dâu ấy không phải duy trì từ trước đến nay mà mới được gầy dựng lại trong những năm gần đây.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia trên lĩnh vực này, lý do khiến nghề trồng dâu nuôi tằm của tỉnh gần như bị dẹp bỏ hoàn toàn là vì quá bế tắc về thị trường tiêu thụ sản phẩm, giống bị thoái hóa và quy trình canh tác lạc hậu.

ThS.Lê Xuân Ánh - Phó Trưởng bộ môn sử dụng đất của Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) nói: “Theo khảo sát, trước đây phần lớn sản lượng tơ tằm của Quảng Nam nói riêng cũng như nhiều tỉnh thành khác của Việt Nam nói chung được xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu. Sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã, thị trường tơ lụa bị mất nên sản phẩm người dân làm ra không xuất khẩu được. Vì thị trường xuất khẩu bị thu hẹp mạnh nên tư thương ép giá sản phẩm kén và tơ lụa khiến người dân đồng loạt bỏ nghề trồng dâu nuôi tằm vì nguồn thu nhập mang lại quá thấp”.

Một trong những khó khăn lớn nhất của nghề trồng dâu, nuôi tằm hiện nay là thiếu lao động trẻ, tâm huyết. Ảnh: S.T
Một trong những khó khăn lớn nhất của nghề trồng dâu, nuôi tằm hiện nay là thiếu lao động trẻ, tâm huyết. Ảnh: S.T

Nhiều thách thức

Theo các chuyên gia kinh tế, những năm gần đây, bình quân mỗi năm các nước sản xuất tơ tằm trên thế giới cung ứng ra thị trường khoảng 80.000 tấn tơ các loại. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tơ là không dưới 100.000 tấn. Với nhiều điều kiện thuận lợi như Quảng Nam, việc khôi phục và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa là phù hợp với xu thế phát triển nền kinh tế cũng như thị trường hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những mặt thuận lợi, việc khôi phục và phát triển nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa ở Quảng Nam đang phải đối mặt với khá nhiều thách thức. Cụ thể, những năm gần đây, nông dân ở nhiều địa phương chưa được tiếp cận và chuyển giao rộng rãi quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm tiên tiến. Hạ tầng phục vụ việc nuôi tằm còn nhiều hạn chế, phần lớn là tận dụng những cơ sở đã có từ trước của người dân.

Trong khi đó, hiện nay trong nước chưa chủ động được giống tằm, chủ yếu phụ thuộc vào giống tằm của Trung Quốc nên rất khó cho việc sản xuất đảm bảo phù hợp với thời vụ ở Quảng Nam. Không chỉ vậy, trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp lớn nào đầu tư bài bản về ươm tơ, dệt lụa theo hướng hiện đại để tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, có chất lượng tốt nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khó tính của thị trường.

Qua tìm hiểu, vào năm 2005, lãnh đạo xã Duy Trinh (Duy Xuyên) từng mời những hộ dân có kinh nghiệm trong nghề đến họp bàn và giao cho họ 8ha đất (thuộc quỹ đất dự phòng 5% do chính quyền địa phương quản lý) để trồng dâu nuôi tằm. Cùng với đó, xã có cơ chế hỗ trợ giống dâu, phân bón cho các hộ dân này nhằm có điều kiện phát triển sản xuất. Sau khi cơ chế đưa ra, xã thành lập một tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm hẳn hoi nhưng đến bây giờ kết quả mang lại không cao. Bởi, thời gian qua người dân trồng dâu nuôi tằm không phải để lấy kén mà chủ yếu là nuôi tằm thương phẩm bán ra thị trường.

Ngoài những vấn đề nêu trên, khâu đáng quan tâm nhất là nguồn nhân lực thực hiện việc khôi phục và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Ông Đoàn Công Vân – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Trinh chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất đối với địa phương của chúng tôi trong chuyện khôi phục và phát triển nghề truyền thống này là lực lượng lao động. Bởi, hiện nay số lao động trẻ tuổi chủ yếu đi làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp đóng chân trên địa bàn, chẳng có mấy người trẻ am hiểu tường tận về nghề trồng dâu nuôi tằm. Trong khi đó, những lao động đã một thời gắn bó với nghề, bây giờ phần lớn đã lớn tuổi, quy trình sản xuất lạc hậu và việc đào tạo, tập huấn chuyển giao những gói kỹ thuật tiên tiến, áp dụng công nghệ hiện đại là rất khó”.

Theo các doanh nghiệp, đầu ra của tơ lụa không thiếu, nhưng sản phẩm tơ tằm của địa phương hiện chưa đủ chất lượng để hướng đến phân khúc thị trường chất lượng cao. Ảnh: S.T
Theo các doanh nghiệp, đầu ra của tơ lụa không thiếu, nhưng sản phẩm tơ tằm của địa phương hiện chưa đủ chất lượng để hướng đến phân khúc thị trường chất lượng cao. Ảnh: S.T

ĐAU ĐÁU GIẤC MƠ “XANH RỜN NGÀN DÂU”

Những ý tưởng khơi lại “dòng chảy lụa”, phủ xanh bạt ngàn nương dâu ven sông Thu Bồn đã manh nha trong thời gian qua với bao kỳ vọng. Dẫu vậy để biến kịch bản thành hiện thực vẫn còn một chặng đường rất dài.

“Dòng sông lụa” – giấc mơ ngày sau

“Duy Xuyên tơ lụa mỹ miều/Buổi mai mắc cửi, buổi chiều giăng tơ”, câu ca vọng về không khí sản xuất dập dìu và sức sống của tơ lụa Đông Yên, Mã Châu từng một thời theo các thương thuyền ngoại quốc xuôi dòng Thu Bồn đi khắp thế giới từ mấy trăm năm về trước. Sau bao năm, dòng chảy văn hóa và sự sống vẫn len lỏi khắp mạch nguồn của Thu Bồn nhưng dường như cộng đồng địa phương vẫn còn quay quắt về một khoảng trống mà dâu, tằm, tơ, lụa để lại.

Liền một dải từ miền Trung Phước (Nông Sơn) xuôi về đến Cửa Đại chính là “vựa” phù sa màu mỡ bậc nhất của xứ Quảng và nếu chọn nương mình vào nông nghiệp thì dâu tằm là một trong những hướng đi vừa “kế thừa” nghề truyền thống quá khứ lẫn kỳ vọng ở tương lai để cư dân hai bên bờ sông có một cuộc sống khấm khá hơn khi ấp ủ ước mơ: “Con tằm dệt kén cho ta/Tháng năm cần mẫn làm ra lụa đời”… Được biết, huyện Duy Xuyên cũng đang có dự án trùng tu lăng mộ Đoàn Quý Phi – bà chúa tằm tang với mục tiêu đưa nơi đây trong tương lai trở thành một điểm dừng chân đặc sắc trong hành trình lãng đãng trên “dòng sông lụa” của du khách.

Cuối năm 2019, UBND tỉnh có quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ dâu, tằm, tơ, lụa, thổ cẩm truyền thống đặt tại Cụm công nghiệp Thương Tín (Điện Bàn). Dự án do Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam đầu tư thực hiện với tổng vốn hơn 391 tỷ đồng, dự kiến sẽ khởi công trong quý I.2021 và đi vào hoạt động chính thức vào quý II.2023.

Ông Lê Thái Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam cho biết, ngoài dự án trên thì đề án “dòng sông lụa” của tỉnh có quy mô 5.000ha với giấc mơ “vẽ” Thu Bồn thành một dòng sông tơ lụa được một số chuyên gia kinh tế, nhất là trong ngành tơ, lụa đánh giá rất cao về tiềm năng, tính khả thi.

Cần sự kiên trì

Ông Lê Xuân Ánh - Phó Trưởng bộ môn sử dụng đất của Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) phân tích, điều kiện mưa nhiều của vùng từ tháng 10 đến tháng 12 kết hợp chế độ nước của hệ thống sông Thu Bồn gây ngập lụt cho vùng trồng dâu nuôi tằm mang cả yếu tố tích cực và tiêu cực.

“Nó sẽ khiến người dân không nuôi tằm trong quãng thời gian này được, tuy nhiên ở chiều ngược lại là điều kiện thuận lợi cho cây dâu được bổ sung phù sa, giảm đầu tư phân bón cũng như là thời điểm thích hợp đốn dâu để cây dâu phát triển tốt hơn trong năm tiếp theo” - ông Ánh nói.

Khảo sát về mức độ tập trung đất đai có tiềm năng về trồng nuôi tằm trên 200 hộ nông dân ở Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc và Nông Sơn cho thấy có gần 30% các hộ nói trên có diện tích đất tập trung từ 0,5ha trở lên rất thuận lợi để phát triển chuyên canh nghề trồng dâu, nuôi tằm, qua đó cũng dễ xây dựng các nhóm liên kết và hợp tác xã phát triển về mảng này.

Qua nghiên cứu của Viện Thổ nhưỡng nông hóa, cơ cấu cây trồng phổ biến hiện nay trên đất trồng dâu trước kia của các địa phương chủ yếu là 2 vụ màu, một số ít nơi làm 3 vụ màu, trong đó cây ớt là loài được canh tác rộng rãi và cho hiệu quả cao nhất, nhưng tính thất thường cũng cao và phụ thuộc vào thương lái.

Ông Lê Xuân Ánh cho rằng, việc quay vòng vốn nhanh, lợi nhuận thu về hàng tháng, bảo vệ đất đai vùng bãi ven sông và tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch chính là những yếu tố mà cây dâu có lợi thế so với các cây trồng khác.   

Th.S.Nguyễn Đình Thông - Viện Thổ nhưỡng nông hóa thông tin: “Qua nghiên cứu trên gần 12 nghìn héc ta đất có khả năng phát triển cây dâu ở Quảng Nam, chúng tôi nhận thấy chủ yếu là đất phù sa và đất xám; phần lớn có địa hình bằng phẳng, có khả năng tưới tiêu chủ động, mức độ đá lẫn ít, chỉ có khoảng 690ha đất có mức độ đá lẫn nhiều từ 15 đến 40%”.

Qua thực tế sản xuất của người dân trong các vụ năm 2019 cho thấy, nếu kết hợp trồng dâu nuôi tằm, lãi thuần trên 1ha đạt khoảng 167 triệu đồng/năm và giá thành ngày công thu được khoảng 335 nghìn đồng. Nếu so sánh thì thu nhập của nông dân từ việc canh tác ớt vụ đông - xuân và đậu xanh vụ hè - thu (khoảng 265 triệu đồng/ha) hoặc ớt vụ đông - xuân và mè vụ hè - thu (khoảng 235 triệu đồng/ha) vào những thời điểm được giá nhất vẫn nhỉnh hơn trồng dâu nuôi tằm, tuy nhiên độ bền vững thì khó có thể đảm bảo.

Ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, trước mắt diện tích để khôi phục vùng trồng dâu nuôi tằm truyền thống của địa phương không thiếu; tuy nhiên điều quan trọng là làm sao để nông dân gắn bó lâu dài với nghề này.

“Ở Điện Bàn, nông dân đang canh tác ổn định nhiều hoa màu khác, ngoài ra cũng có một diện tích lớn đất không sản xuất nên cần phải có những cơ chế, đầu ra thực sự ổn định thì mới thuyết phục người dân được, còn không thì dù có đất bỏ hoang người ta cũng không chịu giao lại để trồng dâu nuôi tằm đâu” - ông Hiếu chia sẻ.

TÌM MỘT LỐI RA

Vực lại nghề trồng dâu nuôi tằm một thời vang bóng ở Quảng Nam không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Để cây dâu, con tằm hồi sinh thực sự cần nhiều hơn nữa sự đồng hành, các cam kết thiết thực, giúp nông dân yên tâm gắn bó với nghề.

Cần đầu tư bài bản từ đầu

Không khác mấy so với những cây trồng nông nghiệp, đầu ra vẫn là nỗi thấp thỏm thường trực của người trồng dâu nuôi tằm một khi mở rộng sản xuất, chuyên canh với số lượng lớn. Giải đáp nỗi băn khoăn này, ông Lê Thái Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam cho rằng, một phần nguyên nhân khiến tơ tằm Quảng Nam lâu nay lẩn quẩn đầu ra là do chất lượng tơ kém, khó cạnh tranh với thế giới và sản phẩm chỉ ở phân khúc bình dân.

“Ở góc độ doanh nghiệp, sản phẩm tơ tằm của chúng ta phải đạt chuẩn quốc tế thì mới xuất khẩu được chứ không phải làm đại trà như lâu nay. Thời gian qua, xu hướng của ngành thời trang đã thiên dần về việc bảo vệ môi trường, dùng chất liệu xanh nên sản phẩm tơ lụa của chúng ta càng có cơ hội tìm chỗ đứng nếu làm bài bản”.

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn góp ý: “Theo tôi, các cơ quan chuyên môn cần tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân áp dụng bài bản quy trình kỹ thuật thâm canh giống dâu lai mới nhằm nâng cao chất lượng lá dâu. Bên cạnh đó, sớm nghiên cứu, tuyển chọn các giống tằm nuôi thích hợp với điều kiện của từng địa phương và hoàn thiện quy trình nuôi tằm tiên tiến để tăng năng suất kén”. 

Tại một hội thảo về phát triển làng nghề Quảng Nam, bà Hamada Haruko - Viện trưởng kiêm Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển sản phẩm Nhật Bản M&D chia sẻ, ở nước Nhật người ta không chỉ khai thác lá dâu mà còn tận dụng mọi bộ phận của cây dâu để chế biến thành mỹ phẩm, bánh kẹo, nước giải khát, dược liệu…, các bạn cũng cần nghiên cứu áp dụng để nâng cao giá trị, cải thiện lợi ích kinh tế của nghề trồng dâu, nuôi tằm này.

Hiện nay, ở TP.Đà Lạt cũng như tỉnh Lâm Đồng, rất nhiều nông dân có gốc gác Quảng Nam kinh tế khá lên nhờ vào nghề trồng dâu, nuôi tằm với thu nhập lên đến 500 triệu đồng/ha. Các chuyên gia ước tính, với tiềm năng và điều kiện sản xuất của Quảng Nam, chỉ cần cố gắng nâng mức thu nhập của người nông dân theo nghề này lên khoảng 200 đến 300 triệu/ha là đã có đời sống kinh tế khá giả.

Ông Trần Hữu Phương - Giám đốc Công ty TNHH lụa Mã Châu cho hay, năng lực sản xuất hiện nay của đơn vị khoảng 1 đến 1,5 tấn tơ mỗi tháng. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất của đơn vị tăng lên 5 đến 6 lần so với làm thủ công như trước đây. “Nhà máy tơ của chúng tôi trước đây giải quyết thường xuyên cho 300 đến 400 lao động ươm tơ và để duy trì hoạt động nhà máy, năng suất tối thiểu cần 2 tấn kén mỗi ngày. Hiện nay việc sản xuất tạm dừng bởi không đủ nguồn nguyên liệu, nếu khởi động lại chỉ sản xuất cầm chừng thì thu không đủ chi” - ông Phương nói. 

Tính toán tạo chuỗi giá trị

Để hướng đến phục hưng nghề trồng dâu, nuôi tằm theo hướng bền vững, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là yếu tố quyết định. Ông Nguyễn Phê - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lệ Bắc (Duy Châu, Duy Xuyên) cho biết, đơn vị đang phối hợp với Công ty CP Nông lâm An Phú thực hiện mô hình trồng 13,5ha dâu chuyên canh với sự tham gia của 30 hộ dân để phục vụ nghề nuôi tằm theo phương thức chuỗi giá trị sản phẩm, có sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” (nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp). “Chúng tôi đề nghị Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho đơn vị đầu tư cải tạo, xây dựng mới nhà nuôi tằm phù hợp nhằm hạn chế những rủi ro về dịch bệnh và từng bước nâng cao giá trị sản phẩm” – ông Phê nói. 

Theo ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, Điện Bàn đang tập trung cơ chế để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, trong đó định hướng gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn mới, các điểm văn hóa ở khu vực Gò Nổi. Còn ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh nhận định, cả hai di sản văn hóa thế giới của Quảng Nam đều nằm sát tuyến “dòng sông lụa”, có lượng khách du lịch tăng liên tục qua từng năm nên việc mở rộng thêm loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch trải nghiệm với làng nghề trồng dâu nuôi tằm là rất khả thi. Điều đáng nói hơn, hiện nay hệ thống hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh hoạt động tương đối hiệu quả, có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Chia sẻ góc nhìn của mình, ông Trần Hữu Phương đề xuất: “Theo tôi, vùng trồng dâu chủ lực nên là Điện Bàn, Đại Lộc và phải đầu tư theo chuỗi thì mới kiểm soát được chất lượng, các sản phẩm của tơ lụa mới đáp ứng tiêu chuẩn của quốc tế”.

VĂN SỰ - QUỐC TUẤN