Nông dân Thăng Bình chủ động phòng trừ sinh vật gây hại vụ hè thu
(QNO) - Rút kinh nghiệm vụ đông xuân vừa qua khi hơn 200ha lúa ở Thăng Bình bị chuột và ốc bươu vàng gây hại, hè thu này nông dân trên địa bàn huyện chủ động phòng trừ ngay từ đầu vụ.
Canh tác tại cánh đồng khu phố 5 (thị trấn Hà Lam), chuột và ốc bươu vàng là nỗi lo ngại lớn nhất của lão nông Nguyễn Hữu Phụng (75 tuổi). Từng có năm vì chủ quan không diệt trừ chuột mà chỉ sau một đêm xuống giống, 8 sào lúa của gia đình ông mất trắng.
Để đảm bảo năng suất vụ hè thu này, ngay sau khi thu hoạch xong vụ đông xuân, gia đình ông Phụng kết hợp làm đất, dọn vệ sinh đồng ruộng. Theo kinh nghiệm của ông, thời gian chuyển vụ gieo trồng, thức ăn của chuột ở ngoài đồng ít, chuột thường sống và gây hại tập trung trên một số khu vực nhất định như bờ ruộng. Cùng với đó, trước khi gieo sạ, ông trộn thuốc diệt chuột vào giống để bẫy trên đường mòn chuột hay đi lại.
Ông Phụng cho biết: “Năm nay không có mưa lụt nên chuột gây hại rất nhiều. Ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã huy động người dân cùng ra quân diệt chuột, tiếp đó là diệt ốc bươu vàng. Giờ thì chuột, ốc bươu vàng giảm được 50%. Người dân chúng tôi phải nỗ lực, kiên trì để giữ đồng ruộng”.
Cũng vậy, ông Nguyễn Văn Hùng (khu phố 5, thị trấn Hà Lam) xem việc sản xuất vụ này như đánh bạc với trời. Nếu nỗi lo về nước tưới là một thì nỗi lo về chuột và ốc bươu vàng là mười. Nhiều hộ dân canh tác gần cánh đồng nhà ông vì không chịu thấu nạn chuột và ốc bươu vàng gây hại nên bỏ đất hoang mấy năm nay. Vì thế, ruộng nhà ông càng có nguy cơ lớn bị các sinh vật trên gây hại.
Để phòng trừ, trước khi gieo 10 ngày, ông Hùng ngâm giống trộn thuốc bẫy chuột được 4 - 5 đợt. Ông cho biết sắp tới sẽ mua bạt rào xung quanh ruộng. Đó là chưa kể nhiều đêm liền, ông cùng thanh niên trong khu phố đào hang diệt chuột đến tận 10 giờ khuya mới về.
Đến nay toàn huyện Thăng Bình đã gieo sạ được hơn 7.030/7.200ha lúa hè thu. Ông Hồ Ngọc Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện cho biết, đối với đối tượng dịch hại, trung tâm đã gửi thông báo cho từng địa phương và phân công cán bộ xuống cơ sở để hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ.
Theo ông Quảng, đối với ốc bươu vàng, nông dân cần sử dụng thuốc hóa học diệt trừ giai đoạn ban đầu để đảm bảo mật độ gieo sạ. Trung tâm cũng khuyến cáo bà con nên sử dụng các loại thuốc hiện có trong quy định của ngành bảo vệ thực vật. Tuy nhiên mật độ ốc tương đối nhiều nên một số chân ruộng phải phun 2 - 3 lần, bởi ốc non có khả năng phát triển nhanh và ăn hết giống.
“Chúng tôi khuyến cáo diệt trừ sinh vật gây hại ngay từ đầu vụ sản xuất với phương châm “thường xuyên, liên tục”. Các hoạt động diệt chuột, ốc bươu vàng mang tính cộng đồng và toàn diện, huy động tổng hợp sự tham gia của cộng đồng thì hiệu quả mới cao và lâu dài. Qua quá trình khảo sát ở những diện tích gieo sạ trà thứ nhất, nhờ tuân thủ theo hướng dẫn của ngành kỹ thuật mà lượng chuột và ốc bươu vàng đã giảm đáng kể” - ông Quảng cho hay.