Phong trào "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" ở Điện Bàn: Nở rộ mô hình kinh tế hiệu quả

HOÀNG LIÊN 13/05/2020 13:07

Giai đoạn 2017 - 2019, phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” (NDSXKDG) ở Điện Bàn có bước phát triển sâu rộng, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, cho thu nhập cao theo hướng liên kết chuỗi giá trị.

Mô hình trồng rau an toàn tại Khúc Lũy (Điện Minh) cho lãi ròng vài trăm triệu đồng/năm. Ảnh: H.LIÊN
Mô hình trồng rau an toàn tại Khúc Lũy (Điện Minh) cho lãi ròng vài trăm triệu đồng/năm. Ảnh: H.LIÊN

Ông Phạm Dũng (xã Điện Quang) nhiều năm qua đã từng bước nhân giống đàn bò lai khá hiệu quả với tổng đàn bò giống thời điểm này lên đến 18 con. Ông Dũng đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò tập trung tại vùng bãi biền ven sông Thu Bồn, đầu tư chuồng bò tránh lũ tại nhà, trồng cỏ thâm canh trên bãi biền chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi. Ông tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chế biến, ủ chua thức ăn dự trữ cho đàn bò mùa mưa lũ, kỹ thuật phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi.

Ông Dũng còn canh tác 1,3ha dưa hấu, bắp nếp và ớt trên bãi biền, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Không chỉ sản xuất giỏi, ông còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Nhiều năm liền, ông là gương điển hình “NDSXKDG”.

“Với lượng công việc quá lớn từ việc chăm sóc đàn vật nuôi, cắt cỏ, dọn vệ sinh cho tới trồng và chăm sóc, tưới nước, bón phân trên cánh đồng rộng hơn héc ta, tôi phải thuê thêm người làm mới hết việc. Mình làm kinh tế là tốt rồi, nhưng tôi nghĩ mình cần nên đóng góp gì đó cho xã hội, giúp đỡ hội viên. Tôi luôn sẻ chia, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh nếu người dân cần” - ông Dũng nói.

Ông Lê Phước Thọ (xã Điện Hồng) là hộ NDSXKDG thị xã nhiều năm liền. Ông Thọ trồng 2ha giống ổi Đài Loan, chăn nuôi 1.000 con gà, 500 con vịt, đào ao thả cá với lượng cá giống thả mỗi lứa 1.500 con giống trên diện tích rộng cả nửa héc ta. Từ mô hình chăn nuôi tổng hợp kết hợp trồng cây ăn quả theo hướng gia trại, ông thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Ông Thọ còn bỏ vốn sắm 3 máy gặt đập liên hợp để làm dịch vụ làm đất, thu hoạch, vận chuyển nông sản. Mô hình kinh tế tổng hợp của ông cho thu nhập cao, tạo việc làm cho 10 lao động...

Thị xã Điện Bàn hiện có 60 mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp như bò, heo, gà, chim cút duy trì ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Hàng chục mô hình liên kết với Công ty CPI chuyên nuôi heo, gà công nghiệp cho doanh thu cao. Hàng trăm hộ ở các xã Điện Minh, Điện Ngọc áp dụng mô hình tưới tiết kiệm trên cây rau, hoa quả, kết hợp ứng dụng công nghệ nhà lưới đạt hiệu quả cao. Nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh cho doanh thu 200 - 500 triệu đồng/năm...

Theo ông Nguyễn Văn Thừa - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Điện Bàn, giai đoạn 2017 - 2019, Hội Nông dân thị xã phối hợp với Phòng Kinh tế, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp tổ chức gần 100 lớp tập huấn sản xuất thời vụ, hội thảo chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất rau quả an toàn... Hàng chục lớp dạy nghề như trồng hoa, thú y, trồng cây cảnh được tổ chức. Thị xã có 7.533 hộ NDSXKDG, cấp trung ương là 10 hộ, cấp tỉnh 250 hộ, cấp thị xã 1.742 hộ, cấp cơ sở 5.531 hộ.

Theo định hướng của thị xã, tiếp tục phát huy hiệu quả cánh đồng chuyên canh cây màu quy mô lớn ở 3 xã Gò Nổi và các xã nông thôn mới. Đẩy mạnh chương trình khuyến nông - khuyến ngư, chú trọng tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi; đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa các nhà, củng cố các câu lạc bộ chăn nuôi bò, nuôi cá nước ngọt, trồng rau...

HOÀNG LIÊN