Quản lý chặt việc chuyển đổi sử dụng đất lúa
Tất cả dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đặc dụng năm 2020 muốn được triển khai đều phải được sự thống nhất của HĐND các cấp, để tránh việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật.
Loại dự án không đảm bảo
Năm 2020, khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, danh mục các dự án thu hồi đất mới, các địa phương gần như rất ít “đụng” đến đất lúa, thậm chí yêu cầu thay đổi vị trí nếu dự án tác động một phần nhỏ diện tích đất lúa. Tại thị xã Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn…, các dự án khai thác quỹ đất, phát triển khu dân cư, đô thị có sử dụng đất lúa đều thuộc thời điểm từ năm 2018 trở về trước. Tuy nhiên, từ năm nay việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa chỉ trong trường hợp thực sự cần thiết, dự án phục vụ công trình công cộng, lợi ích quốc gia, an ninh quốc phòng.
Các huyện Duy Xuyên, Phú Ninh, Thăng Bình, Bắc Trà My có 19 danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa. Trong đó 17 danh mục đảm bảo về nguồn gốc, chủ trương đầu tư. Những danh mục dự án dù đảm bảo nguồn vốn ngân sách đầu tư, HĐND cấp huyện phải có ý kiến (bằng văn bản) bổ sung danh mục kế hoạch sử dụng đất năm 2020.
Tại huyện Bắc Trà My, các công trình, dự án thu hồi đất đều được rà soát cẩn trọng mục đích sử dụng. Phó Chủ tịch HĐND huyện Bắc Trà My – ông Lê Văn Tuấn cho biết, địa phương thống nhất đăng ký bổ sung danh mục đối với 7 công trình, dự án thu hồi đất sử dụng vốn ngân sách. Đó là dự án kè sông Trường; kè sông Nước Oa và đường dẫn; đường giao thông thôn 3 (xã Trà Giáp); đường vào khu dược liệu xã Trà Giáp; công trình nâng cấp mở rộng đường từ cầu Trà Sơn đến khu dân cư Dương Hòa (xã Trà Sơn); công trình khu thể thao xã Trà Sơn và khu triển lãm giới thiệu trưng bày sản phẩm Trà My.
“Tuy nhiên, Thường trực HĐND huyện không thống nhất việc đăng ký bổ sung danh mục đối với 3 dự án thu hồi đất sử dụng vốn ngoài ngân sách do các công trình này chưa đảm bảo các thủ tục có liên quan (gồm dự án chùa Trà Giang, chùa Trà Dương và mỏ đá thôn Dương Lâm)” – ông Tuấn thông tin.
Tại huyện Phú Ninh, địa phương đề xuất bổ sung 2 danh mục thu hồi đất là công trình Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi và mở rộng nghĩa trang nhân dân Gò Xù. Trong khi đó, huyện Duy Xuyên chỉ bổ sung 1 danh mục thu hồi đất là công trình xây dựng Trường Mẫu giáo Duy Hải.
Chỉ ưu tiên dự án thuộc thu hút đầu tư
Đề xuất chuyển đổi gần 3,5ha đất chuyên trồng lúa
Theo Tờ trình của UBND tỉnh, có 19 danh mục thu hồi đất bổ sung năm 2020 với tổng diện tích được đề nghị thu hồi hơn 20ha. Trong đó, 17 danh mục dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và 2 danh mục dùng vốn ngoài ngân sách. Đáng chú ý, các địa phương đề xuất gần 3,5ha chuyển mục đích đất chuyên trồng lúa nước vào mục đích khác.
Giám đốc Sở TN&MT Trần Thanh Hà cho biết, tổng diện tích chuyển mục đích đất chuyên trồng lúa bổ sung năm nay là gần 3,5ha. Việc chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước chỉ ưu tiên cho mục đích công cộng, lợi ích quốc gia; hạn chế tối đa chuyển đất chuyên trồng lúa nước cho mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khai thác quỹ đất dọc quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ. Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh là đối với dự án chưa đủ thông tin loại khỏi đợt này mà địa phương, chủ đầu tư bổ sung đầy đủ và những danh mục phát sinh cho mục đích công cộng, các dự án trong chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh, thì đề nghị HĐND cấp huyện thực hiện nghiêm túc việc bổ sung ý kiến bằng văn bản đối với các danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng Nghị quyết số 21 ngày 19.7.2018 của HĐND tỉnh trước khi trình cơ quan có thẩm quyền. Trong kỳ họp lần thứ 15, HĐND tỉnh khóa IX tổ chức ngày 21.4.2020, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết về thu hồi đất chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng năm 2020 của các huyện Duy Xuyên, Phú Ninh, Thăng Bình, Bắc Trà My, Hội An.
Theo luật định, các dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phải có ý kiến của thường trực HĐND cùng cấp trước khi trình cơ quan cấp trên. Quan điểm của tỉnh là giám sát chặt việc quản lý, sử dụng đất theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, không sử dụng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất cao, sản xuất hiệu quả. Được biết, với các dự án không thuộc trường hợp Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải có nghị quyết của HĐND cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10ha đất trồng lúa; dưới 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.