Sản xuất nông nghiệp thông minh
Vụ đông xuân này là năm đầu tiên nhiều địa phương vùng cát, khó khăn nước tưới ở huyện Thăng Bình áp dụng các phương thức sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Năng suất cao, tiết kiệm chí phí, thay đổi tư duy sản xuất..., là những kết quả quan trọng đối với bà con nông dân trong điều kiện khí hậu biến đổi khốc liệt hiện nay.
Lớp học đồng ruộng
Trước khi bước vào vụ đông xuân 2019 - 2020, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam tổ chức lớp học đồng ruộng cho nông dân (FFS) về kỹ thuật thâm canh tổng hợp trồng đậu phụng ở xã Bình Giang. Trong 2 tháng tham gia lớp học, nông dân vừa học lý thuyết tại nhà văn hóa thôn, vừa thực hành trồng, chăm sóc cây đậu ngay trên đồng ruộng. Với những gì được truyền đạt từ kỹ sư nông nghiệp, đến nhìn thấy trên đồng ruộng và trao đổi từ kinh nghiệm thực tế đã giúp bà con có những kiến thức hữu ích.
Tham gia lớp học, ông Lê Anh Đức cho biết đã ngộ ra rằng kinh nghiệm làm nông của mình lâu nay có nhiều điều chưa đúng. “Lâu nay, nông dân chúng tôi cứ thấy đậu bị sâu, rầy hay nấm là dùng thuốc bảo vệ thực vât, đậu hơi vàng lá thì bón phân hóa học, liều lượng tùy hứng. Qua lớp học FFS, chúng tôi mới biết nếu bón phân, phun thuốc nhiều quá sẽ có hại cho đất, cây trồng và ảnh hưởng sức khỏe, ô nhiễm môi trường, chi phí tăng. Trong khi đó, sử dụng phân hữu cơ, vi sinh tiết kiệm khá nhiều, giảm thời gian chăm sóc, giảm chi phí sản xuất, môi trường đất lại bền vững” - ông Đức chia sẻ.
Cũng tham gia lớp học FFS, bà Đỗ Thị Hoa nói: “Học lý thuyết gắn với thực hành trên đồng ruộng nên nông dân chúng tôi rất dễ hiểu. Nay chúng tôi hiểu rằng, sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khi hậu là phải tiết kiệm từ nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân hữu cơ nhiều hơn. Nhìn hiệu quả trên đồng là bà con tin thôi”.
Bên cạnh tham gia lớp học FFS, nông dân Bình Giang còn được Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới của WB7 hỗ trợ 100% giống đậu phụng L14 để sản xuất trên diện tích 10ha có nguy cơ thiếu nước, nhiễm mặn. Đây là giống đậu có thời gian sinh trưởng trung bình, phù hợp với điều kiện sản xuất tại các xã vùng đất cát. Đặc biệt, nông dân cắt giảm được chi phí sản xuất khá nhiều nhờ hạn chế tối đa lượng phân bón và thuốc hóa học khi canh tác.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp 2 Bình Giang cho biết, từ khi vào vụ đến khi đậu kết trái hầu như nông dân không sử dụng thuốc hóa học. Nếu làm lúa như trước đây thì lo khô hạn, phải phun thuốc trừ bệnh liên tục, dẫn đến tốn rất nhiều chi phí. Rõ ràng, chuyển đổi cây đậu trên đất này, chưa nói đến năng suất, chỉ tính chi phí đầu tư đã thấy hiệu quả cao hơn.
Vụ mùa thắng lợi
Mùa đậu năm nay, áp dụng kiến thức từ lớp học FFS, ông Lương Văn Tư cùng nhiều hộ dân tại xã Bình Giang tiết kiệm khá lớn chi phí sản xuất, cây đậu cho năng suất cao. Hái từng trái đậu chắc nịch, rất ít trái lép, ông Lương Văn Tư vui vẻ nói: “Nhà nước hỗ trợ đậu giống, giúp nông dân có bài học lớn trong sản xuất nông nghiệp, quan trọng là đậu rất đạt. Nông dân lợi nhiều lắm, từ công sức, bảo vệ được môi trường, thu nhập cao hơn”.
Ông Võ Văn Tư - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giang cho biết: “Mùa đậu phụng năm nay ở địa phương cho năng suất bình quân hơn 350kg/sào, đây là năng suất khá tốt trên vùng đất cát pha này. Cái được lớn nhất vẫn là thay đổi cách nghĩ, tư duy làm nông nghiệp vốn không phù hợp với bà con nông dân trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết hỗ trợ nông dân sản xuất đậu phụng theo cách này, tăng diện tích lên thêm 30ha trong các vụ tới”.
Vụ đông xuân 2019 - 2020, ngoài 10ha ở Bình Giang, còn có 15ha tại các địa phương khác của Thăng Bình được WB7 hỗ trợ giống, kỹ thuật thông qua Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới.
Ông Hồ Ngọc Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình nhìn nhận, nông dân đã thực hành khá tốt sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, giải quyết thành công bệnh chết cây trên đậu phụng và các loại dịch hại. Đây là năm được mùa đậu phụng nhất trong những năm gần đây, thống kê các địa phương cho thấy, năng suất khoảng 35 tạ/ha. Áp dụng phương thức sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ mở ra hướng đi trong việc chuyển đổi cây trồng tại Thăng Bình. Đồng thời giúp nông dân địa phương thay đổi tập quán sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trên đồng ruộng, cho hiệu quả kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường. Ngành nông nghiệp Thăng Bình đang khuyến khích các địa phương tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng diện tích chuyển đổi sang trồng cây đậu phụng để có điều kiện thúc đẩy liên kết sản xuất, nâng cao hiệu quả trên cùng diện tích.