Đầu tư vào nông nghiệp: Nhận diện rào cản đất đai

LÊ MUỘN 16/04/2020 04:46

LTS: Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII (Báo Quảng Nam đã công bố toàn văn) đặt ra mục tiêu đưa Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.Báo Quảng Nam mở “Diễn đàn vì Quảng Nam phát triển”, với mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm của các nhà quản lý, chuyên gia, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo và các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu nêu trên. Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ “toasoan@baoquangnam.vn”, chuyên mục “Diễn đàn vì Quảng Nam phát triển”).

Chỉ dựa vào sức vóc của nông hộ sản xuất nhỏ lẻ hiện nay thì khó có thể đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp (bao gồm nông, lâm, thủy sản) hàng hóa trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt. Vì vậy thu hút đầu tư vào nông nghiệp là giải pháp thúc đẩy nhanh hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và gia tăng chuỗi giá trị nông sản. Thế nhưng giải pháp này hiện gặp nhiều rào cản, nhất là về đất đai...

Mô hình đầu tư sản xuất gạo Phong Thử (Điện Bàn) bước đầu cho hiệu quả kinh tế khả quan. Ảnh: N.KẾT
Mô hình đầu tư sản xuất gạo Phong Thử (Điện Bàn) bước đầu cho hiệu quả kinh tế khả quan. Ảnh: N.KẾT

Doanh nghiệp gặp khó

Nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, không có nghĩa là phủ nhận/thay thế vai trò của nông hộ, mà đầu tư của DN sẽ tạo cơ hội nâng cao trình độ sản xuất của nông hộ.

Những năm gần đây, đã có nhiều DN, gồm cả một số tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy vậy, đầu tư vào nông nghiệp còn rất hạn chế, số DN nhỏ và vừa chiếm hơn 80% (số DN đầu tư vào nông nghiệp chiếm hơn 8% so với tổng số DN đang hoạt động, trong đó DN trực tiếp sản xuất ra nông sản chỉ chiếm hơn 1%; tổng vốn đầu tư chiếm 8 - 10% so với tổng vốn đầu tư khu vực DN, trong đó vốn đầu tư của DN trực tiếp sản xuất ra nông sản chỉ chiếm hơn 1%). Quảng Nam rất thành công trong thu hút đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai và các khu/cụm công nghiệp; nhưng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Nếu lựa chọn trong số những khó khăn chung của cả nước (khó tiếp cận đất đai; khó tiếp cận tín dụng, thuế phí bất hợp lý; công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp trong nước kém phát triển; nhân lực trình độ thấp; hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh chưa phát triển; nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất hợp lý v.v.); tôi cho rằng, với Quảng Nam, đất đai là nút thắt, cùng với những khó khăn trong giải quyết các thủ tục đầu tư đang là rào cản lớn, nhất là với các DN đầu tư trực tiếp sản xuất nông nghiệp. 

Quảng Nam có nhiều DN đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, đều muốn thuê đất (ít nhất cũng hàng chục héc ta, nhiều thì hàng trăm héc ta), tỉnh không thể đáp ứng và DN phải rời đi. Có thể nói ngay là không có quỹ đất sạch nào sẵn sàng để cho DN đầu tư trực tiếp sản xuất nông nghiệp một cách thuận lợi – ngay cả với đất do Nhà nước quản lý (chưa giao quyền sử dụng đất ổn định lâu dài), vẫn phải bồi thường và có thể xảy ra tranh chấp với người sử dụng đất, nếu không được giải quyết thỏa đáng. Bên cạnh đó, nhiều diện tích đất nông nghiệp đang bị bỏ hoang hóa, quảng canh. Tích tụ đất đai là giải pháp khả thi nhưng đang thiếu cơ sở pháp lý và vướng mắc những quy định của pháp luật về đất đai, nên mỗi nơi thực hiện một kiểu. Nhiều tỉnh thành đã ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP, đành phải nợ cơ chế tích tụ đất đai (tỉnh Quảng Nam có nội dung hỗ trợ tích tụ/tập trung đất đai nhưng chưa giải quyết được căn cơ).

Luật Đất đai 2013 quy định đối với các tổ chức kinh tế, chỉ có hình thức thuê đất, không có hình thức giao đất nông nghiệp; trong khi đó, đất ở có giá trị cao hơn thì tổ chức kinh tế được giao đất, là một bất cập và phân biệt chính sách giữa đất nông nghiệp và đất ở, gây khó khăn cho tích tụ/tập trung đất nông nghiệp. Từ đó, các tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành đều phải chuyển sang thuê đất của Nhà nước. Khi đó, các DN vừa phải mua QSDĐ nông nghiệp của hộ gia đình, vừa phải trả tiền thuê chính đất đó cho Nhà nước. Điều này khiến chi phí về đất đai tăng lên, cùng những khó khăn trong quá trình tự thỏa thuận, mua QSDĐ đất nông nghiệp với giá ngày càng cao, khiến DN không mặn mà.

Vài giải pháp

Trong khi chờ sửa đổi Luật Đất đai, tỉnh nên có đề án thí điểm tích tụ/tập trung đất đai được cấp thẩm quyền phê duyệt, để tạo quỹ đất cho DN đầu tư theo hướng rà soát, thống kê diện tích theo chủ sử dụng đất, tích hợp vào quy hoạch kinh tế - xã hội các khu đất sản xuất nông nghiệp tập trung, từ các nguồn đất do Nhà nước quản lý chiếm tỷ trọng lớn. Mặt khác hỗ trợ DN thực hiện tích tụ/tập trung đất đai với đất đã giao QSDĐ, ưu tiên làm trước ở những vùng ven đô thị, khu/cụm công nghiệp với phương thức thỏa thuận giá mua/thuê QSDĐ theo thị trường. DN rất khó tự mình đàm phán, mua/thuê với từng nông hộ nên nhiều tỉnh thành, UBND các cấp đứng ra làm trung gian mua/thuê của nông dân và cho DN thuê lại, được người dân và DN yên tâm, nhưng cách thức này chứa đựng những bất ổn. Theo ý kiến các chuyên gia, nên giao cho các trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện việc này; chính quyền hỗ trợ, đoàn thể vận động. Đối với trường hợp, nông hộ chuyển QSDĐ thì Nhà nước thu hồi, giao cho trung tâm phát triển quỹ đất quản lý, Nhà nước cho DN thuê đất khi phát sinh nhu cầu. Trong trường hợp nông hộ chỉ cho thuê đất, hợp đồng thuê đất được ký giữa trung tâm phát triển quỹ đất với từng nông hộ phải quy định chặt chẽ về thời gian tối thiểu, các quyền và nghĩa vụ của đôi bên để xử lý vướng mắc về QSDĐ. Nhà nước không thể thu hồi đất và cho thuê đất, chỉ có thể thực hiện bằng cách trung tâm phát triển quỹ đất ký hợp đồng cho DN thuê đất và đề án cần có quy định để gỡ vướng liên quan về đầu tư, tín dụng…, được thực hiện như đất DN đã được Nhà nước cho thuê đất.

Quảng Nam đã nỗ lực trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục về đầu tư. Nhưng có đồng hành, chia sẻ mới thấy hết những khó khăn của DN qua “các cửa” từ địa phương đến các sở, ngành ở tỉnh để thực hiện các thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng; không ít dự án một vài năm vẫn chưa có được chủ trương đầu tư. Tuy còn những rườm rà về thủ tục nhưng nếu thực hiện đúng yêu cầu công khai, minh bạch, hướng dẫn, giải quyết tận tình và trách nhiệm giải trình của cơ quan hữu trách, thì DN sẽ không phải mất nhiều thời gian và chi phí không chính thức. Từ kinh nghiệm thành lập các tổ công tác hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn vùng Đông cho thấy, những dự án lớn được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo, sẽ được giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh hơn hẳn các dự án nhỏ (phần lớn là của DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp). UBND tỉnh nên thành lập một tổ công tác (có đủ năng lực và quyền hạn) thường xuyên kiểm tra, yêu cầu người đứng đầu các sở/ngành và chủ tịch UBND cấp huyện báo cáo tiến độ, giải trình những chậm trễ trong giải quyết hồ sơ, thủ tục về đầu tư, thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ DN; trực tiếp tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Tin rằng, tháo gỡ được khó khăn về quỹ đất và thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, chấn chỉnh trong giải quyết các thủ tục đầu tư, bức tranh đầu tư của DN vào lĩnh vực nông nghiệp của Quảng Nam sẽ được cải thiện.

LÊ MUỘN