Nền tảng nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp
Nhiều thành quả đạt được qua 10 năm triển khai đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” là nền tảng để Quảng Nam triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới. Đây là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào sáng qua 18.3.
Nhiều thành quả
Triển khai đề án về an ninh lương thực của Bộ Chính trị, Quảng Nam tập trung trước hết vào công tác quy hoạch. Đã có 7 quy hoạch được tỉnh thông qua về bảo vệ và phát triển rừng; bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh; bảo tồn và phát triển cây dược liệu; phát triển quế Trà My; phát triển thủy sản; phát triển chăn nuôi tập trung; quy hoạch thủy lợi.
Cùng với đó, hàng loạt cơ chế khuyến khích đã được tỉnh thông qua làm đòn bẩy thúc đẩy sản xuất. Có thể kế đến chính sách phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn tiêu thụ nông sản, hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, phát triển thủy lợi...
Đối với cây lương thực, cây lúa có diện tích gieo trồng hằng năm trong tỉnh khoảng 86 nghìn héc ta, sản lượng hằng năm hơn 450 nghìn tấn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu lương thực cho gần 1,5 triệu dân trên địa bàn.
Ông Lê Ngọc Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Quảng Nam cơ bản hoàn thiện hệ thống thủy lợi cho đất lúa, rau màu và nuôi thủy sản. Diện tích được tưới nước chủ động là 78.580ha, trong đó lúa là 73.962ha (chiếm 86%), màu 4.418ha và nuôi thủy sản là 200ha. Giao thông nội đồng tiếp tục được hoàn thiện.
Ngành nông nghiệp đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Tưới nước tiết kiệm, ứng dụng chế phẩm sinh học, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP… đã được chuyển giao, nông dân vận dụng rộng rãi, thu được hiệu quả cao.
Năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á
Theo báo cáo, nông nghiệp nước ta có tốc độ tăng trưởng cao (đạt 2,61%/năm). Năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan; năng suất cà phê cao gấp 1,5 lần so với Brazil, gấp 3 lần so với Indonesia; năng suất hồ tiêu gấp 3 lần so với Indonesia; năng suất cá tra bình quân đạt 209 tấn/ha, cao nhất thế giới... Xuất khẩu hàng nông sản nước ta tiếp tục tăng trưởng, 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, bình quân mỗi năm xuất khẩu khoảng 5 - 7 triệu tấn gạo. Cả nước đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ hiện đại, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Các giống cây trồng, vật nuôi mới, có năng suất cao đang được áp dụng sản xuất đại trà đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Cơ giới hóa nông nghiệp ngày càng được áp dụng đồng bộ như máy móc hóa các khâu sản xuất, thu hoạch lúa bằng cơ giới.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Quảng Nam có hơn 10 cơ sở sản xuất rau được chứng nhận VietGAP, 1 cơ sở giết mổ heo và 5 cơ sở chế biến nông sản được chứng nhận HACCP.
Các cơ sở sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP đã nâng cấp cơ sở vật chất, cải tiến quy trình sản xuất và tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Các mô hình sản xuất theo chuỗi được triển khai giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khâu cung cấp vật tư đầu vào đến chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, đóng gói, chế biến, nâng cao giá trị, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Trong 10 năm qua, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh tăng dần qua các năm và luôn đạt ở mức cao. Từ 8.898 tỷ đồng năm 2009, đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp đã tăng lên 13.746 tỷ đồng (tăng hơn 1,54 lần).
Tạo đà phát triển
Quảng Nam hiện có hơn 4 nghìn héc ta đất sản xuất lúa giống được 20 hợp tác xã liên kết với 7 doanh nghiệp phía Bắc để cung cấp lúa giống đến các tỉnh. Trung ương cần có cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển các vùng sản xuất lúa giống tập trung, quy mô lớn, chất lượng cao của tỉnh. Khi có cơ chế ổn định, tỉnh sẽ mở rộng vùng chuyên canh lúa giống thành trung tâm sản xuất lúa giống quốc gia.
Quảng Nam đang xây dựng cảng cá Tam Quang (Núi Thành) phục vụ hậu cần nghề cá cho cả khu vực duyên hải miền Trung, trên cơ sở đó, Trung ương cần phân bổ ngân sách đầu tư đồng bộ, kết nối cảng cá với khu neo đậu tàu cá, khu sửa chữa tàu cá, khu vực cung cấp ngư lưới cụ, đá cây, lương thực, thực phẩm. Khi hình thành dải liên hoàn đa mục đích, sẽ phát triển nghề cá bền vững, đặc biệt là tạo chuỗi khai thác, bảo quản, thu mua, chế biến, nâng cao giá trị hải sản.
“Các dự án riêng lẻ nói trên được Trung ương phê duyệt nhưng chưa được bố trí ngân sách đầu tư nên mong Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành triển khai thực hiện” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, vấn đề an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất lương thực cũng vô cùng quan trọng. Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cần yêu cầu các doanh nghiệp thủy điện phải thực hiện đúng nguyên tắc đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh xã hội. Bởi, các hồ thủy điện giảm bớt nước tưới như hiện nay là rất lãng phí, nên dành thêm nguồn nước để các địa phương sản xuất hoa màu, các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao khác.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, bộ, ngành, các địa phương và Quảng Nam. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng lưu ý đảm bảo an ninh lương thực không chỉ là đơn thuần là đảm bảo kinh tế mà quan trọng không kém là an sinh xã hội. Vì thế, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo an ninh lương thực, nhất là biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, khô hạn ngày càng khắc nghiệt hơn.
“Cả nước cần chuyển dịch cơ cấu sản xuất lương thực hợp lý hơn. Bài toán hạ tầng sản xuất nông nghiệp cần được giải quyết thấu đáo. Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm cần đổi mới, hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ toàn dân và xuất khẩu. Vấn đề quan trọng là phát triển không chỉ nằm ở số lượng mà còn phải đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói.